Tin tức về Triều Tiên vẫn luôn là một ẩn số, giới quan sát hoài nghi tình hình dịch bệnh tại quốc gia này.

Triều Tiên đã tăng cường các nỗ lực chống virus Vũ Hán ở Bình Nhưỡng bằng cách đặt thêm các trạm bảo vệ để hạn chế quyền di chuyển vào thủ đô, truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên đưa tin hôm thứ Sáu (31/7) sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho niêm phong một thị trấn biên giới do người đào thoát tới Hàn Quốc trở về có dấu hiệu nhiễm bệnh, theo Yonhap News.

Gia tăng nguy cơ lây nhiễm từ người đào tị?

Triều Tiên đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào cuối tuần qua và đặt thị trấn biên giới Kaesong dưới lệnh giới nghiêm sau khi một người đào tầu “bỏ trốn” trở về nhà từ Hàn Quốc với các triệu chứng viêm phổi Vũ Hán. Truyền thông nhà nước trước đó cho biết người đào thoát đã bị cách ly “nghiêm ngặt” sau khi một số kiểm tra y tế tạo ra “kết quả không chắc chắn”.

“Trụ sở chống dịch khẩn cấp của thành phố Bình Nhưỡng đã lắp đặt thêm các trạm bảo vệ tại các điểm nhập cảnh và biên giới chính ở Bình Nhưỡng bao gồm các ga tàu điện ngầm và các trạm dừng xe buýt đường dài”, Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của chính quyền Triều Tiên, cho biết trong một bài báo.

Yonhap cho hay, Triều Tiên tuyên bố không có virus Vũ Hán, nhưng các nhà quan sát bên ngoài đã nghi ngờ về tuyên bố này vì nước này có biên giới dài với Trung Quốc, trong khi cơ sở hạ tầng chưa được trang bị đầy đủ để đối phó với các bệnh truyền nhiễm như vậy.

Mặc dù tuyên bố không có virus, Triều Tiên đã thực hiện các biện pháp tương đối nhanh chóng và quyết liệt, đóng cửa biên giới kể từ cuối tháng 1 và thắt chặt các biện pháp kiểm dịch. Bình Nhưỡng đã gọi cuộc chiến chống lại virus này là “vấn đề chính trị” sẽ quyết định số phận của đất nước.

Trường hợp chiến sĩ tử trận đầy nghi vấn

Vào ngày 30/7, một nguồn tin từ tỉnh Bắc Hamgyong tiết lộ với DailyNK rằng vào đầu tháng 7, một công dân ở thành phố Chongjin nhận được tin rằng đứa con duy nhất của bà đang phục vụ tại Cục An ninh đã chết trong trận chiến.

Theo các nguồn tin, vào đầu tháng 7, Đảng ủy và các quan chức quân đội đã đến nhà của người mẹ đơn thân của người lính tử nạn và nói rằng vào giữa tháng 3, con trai của bà đang trong quá trình bảo vệ nguyên thủ quốc gia (đề cập đến Chủ tịch Kim Jong Un) đã hy sinh anh dũng, thi thể được chôn cất gần nơi đóng quân và chính phủ cũng cấp giấy chứng nhận tử trận.

Vào thời điểm đó, một số binh sĩ đi cùng họ đã lấy ra khỏi xe một vài hộp được gọi là “quà tặng của nguyên thủ quốc gia” và đưa cho người mẹ này. Các hộp chứa đầy các mặt hàng gia dụng như thực phẩm, chăn và các sản phẩm công nghiệp.

Khi người mẹ nghe thấy tin xấu bất ngờ, bà đã ngất ngay tại chỗ. Sau khi tỉnh dậy, bà cầu xin nhân viên an ninh cho biết chính xác vị trí chôn cất của con trai bà, nhưng các sĩ quan đã mím môi.

Theo các nguồn tin, mẹ của người lính quá cố đã nghe được rằng thật ra con trai mình đã chết vì bệnh truyền nhiễm (ý nói bệnh viêm phổi Vũ Hán/Covid-19). Secretchina nhận định, nếu người ta nói rằng anh đã chết trong quá trình bảo vệ nguyên thủ quốc gia, thì phải có lý do và sự kiện cụ thể. “Tôi thực sự muốn biết nguyên nhân cụ thể về cái chết của con trai tôi”, người mẹ nói.

Tuy nhiên, các nhân viên của Cục An ninh chỉ liên tục nhấn mạnh các nguyên tắc, quy định bảo mật và không trả lời câu hỏi của bà. Người mẹ đơn thân trong cơn giận dữ đã nói, “có cái chết nào mà không có nguyên nhân? Tôi thực sự không thể chấp nhận sự thật rằng con trai tôi đã chết”.

Vào ngày thứ hai sau khi nhận được tin buồn về cái chết của con trai, người mẹ đến phần mộ của chồng mình, khóc lớn nói rằng con trai cũng chết rồi, người làm mẹ sống có ý nghĩa gì đây và đòi tự vẫn theo. Những người hàng xóm có mặt đã nhanh chóng ngăn cản và kéo bà từ trên núi xuống để ngăn thảm kịch xảy ra.

Những người hàng xóm chứng kiến đều bày tỏ sự bất mãn đối với cách xử lý của chính phủ Triều Tiên.

Theo nguồn tin này, người dân cho biết, mặc dù không phải trong thời kỳ chiến tranh, nhưng thường có những người lính chết trong thời bình. Làm thế nào họ có thể cảm thấy nhẹ nhõm khi gửi con trai vào quân đội? Khi nghe tin như vậy, một số người nói rằng chính quyền không nêu rõ nguyên nhân cái chết của người lính và ngay cả nơi chôn cất cũng không được nói với cha mẹ họ. Đó là một hiện trạng ở Bắc Triều Tiên.

Cập nhật sáng 2/8: Thêm 4 người mắc Covid-19; Bão số 2 cách bờ 120km gây mưa lớn từ Thanh Hóa đến Quảng Bình