Các cư dân bị phong tỏa ở Tân Cương (Trung Quốc) đã lên mạng xã hội để phàn nàn về tình trạng thiếu lương thực và nguồn cung cấp nghiêm trọng sau hơn một tháng áp dụng lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19.

Tỉnh tự trị Ili Kazakhstan, một khu vực có khoảng 4,5 triệu người ở phía bắc Tân Cương, đã bị phong tỏa kể từ đầu tháng 8, theo chia sẻ của cư dân mạng trên trang mạng Weibo. Dù vậy, không có thông báo chính thức nào về việc tỉnh Ili Kazakhstan bị phong tỏa.

Theo SCMP, giới chức Trung Quốc đang vật lộn để kiềm chế các đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây. Hàng triệu người đang bị giam giữ trong nhà của mình ở các vùng khác nhau tại Trung Quốc. Dự kiến sẽ có nhiều thành phố hơn nữa phong tỏa khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp diễn ra vào giữa tháng 10.

Hôm 9/9, các cơ quan y tế Trung Quốc báo cáo 259 trường hợp địa phương có triệu chứng mới và 1.033 trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng. Trong số đó, ba trường hợp địa phương và 27 trường hợp không có triệu chứng là ở Tân Cương.

Theo một số bài đăng trên mạng xã hội trong vài ngày qua, nhiều cư dân của tỉnh Ili Kazakhstan đã bị giam trong nhà và nói rằng họ đã hết lương thực.

Một bài đăng trên Weibo cho thấy một người đàn ông Uygur đang rơi nước mắt vì ba đứa con của anh ta đã không được ăn trong nhiều ngày. Những người khác cho biết họ không thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế. Một bài đăng bao gồm bức ảnh một cậu bé Duy Ngô Nhĩ sốt cao đang chờ điều trị.

Theo SCMP, cả người Hán và người dân tộc thiểu số đều phàn nàn về tình trạng thiếu lương thực trên mạng. Người Hán chiếm khoảng 40% dân số trong tỉnh, với người Kazakhstan chiếm khoảng 27% và người Duy Ngô Nhĩ khoảng 18%.

Một video được đăng lên Weibo (sau đó đã bị xóa) cho thấy một người đàn ông đứng trên gờ cửa sổ hét lên “Tôi chịu hết nổi rồi”. Một video khác cho thấy một cặp vợ chồng và đứa con sơ sinh của họ bên ngoài khu dân cư của họ vào ban đêm.Họ không thể trở về nhà sau khi người phụ nữ sinh con trong bệnh viện.

Một số người cũng phàn nàn trên phương tiện truyền thông xã hội về tình trạng bệnh viện tạm được sử dụng để cách ly. Những lời phàn nàn trên mạng xã hội đã phản ánh thực tế hoàn toàn trái ngược với những gì giới cầm quyền tuyên bố, từ đó thách thức các nhà kiểm duyệt internet.

Theo các cơ quan y tế ở Yining, chỉ có 11 trường hợp không có triệu chứng được báo cáo trong thành phố vào ngày 9/9. Và các nhà chức trách Tân Cương tuần trước đã quảng bá các điểm du lịch của Yining, kêu gọi mọi người đến tham quan.

Cư dân mạng xã hội đã chất vấn về những gì thực sự đang diễn ra ở trong tỉnh.

“Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng Ili đã dỡ bỏ lệnh cấm vận và chính quyền địa phương thậm chí đã bắt đầu thúc đẩy du lịch – nhưng thực tế là mọi người bị nhốt ở nhà và chu kỳ khóa cửa 5 ngày đang lặp đi lặp lại”, một blogger nổi tiếng ở Bắc Kinh viết trên Weibo.

“Thật kỳ lạ khi [các bài đăng về] bùng phát dịch tại Ili và bùng phát ở Tân Cương… đã thu hút hơn 500 triệu lượt xem, nhưng Tân Cương không nằm trong số các chủ đề tìm kiếm nóng. Tại sao?”

SCMP cho biết: “Ổn định xã hội là mối quan tâm chính của Bắc Kinh trước thềm đại hội đảng, nơi dự kiến ông Tập Cận Bình được bổ nhiệm cho nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba và bổ nhiệm một đội ngũ lãnh đạo mới”.

Theo một số người dùng mạng xã hội, chính phủ Trung Quốc sẽ trừng phạt bất kỳ ai đăng thông tin tiêu cực hoặc chưa được xác minh về dịch bệnh. Trong khi những người khác cho biết họ đã nhận được điện thoại cảnh cáo từ các nhà kiểm duyệt internet Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm: