Điểm khảo sát lớp 12 Hà Nội năm 2025 khiến nhiều học sinh và phụ huynh bất ngờ khi mức điểm trung bình giảm sâu. Theo phân tích của các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân không chỉ đến từ chất lượng kiến thức của học sinh, mà một phần còn do hình thức đề thi mới.

Gần 1/3 bài khảo sát dưới trung bình, hơn 4.000 bài bị điểm liệt

Kết quả khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, tỷ lệ bài thi dưới trung bình rất cao, đáng báo động.

Cụ thể, có tới gần 32.000 bài thi có điểm dưới 3, chiếm 6,78%. Ngoài ra có 4.228 bài thi bị điểm liệt (dưới 1 điểm). Nghĩa là, những học sinh này có nguy cơ không đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT 2025 dù với chỉ một môn thi.

Tỷ lệ học sinh có điểm dưới 5 ở các môn Toán, Sinh học, Địa lý vượt quá 50%. Ngữ văn, Vật lý, Tiếng Anh cũng có hơn 30% bài thi dưới trung bình.

Điều này cho thấy một bộ phận không nhỏ học sinh đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc tiếp cận và làm bài theo định dạng mới.

Kết quả các môn đều rất thấp (Ảnh: Vietnamplus)

Điểm khảo sát thấp hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước

So sánh với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, điểm khảo sát năm nay có sự sụt giảm rõ rệt. Môn Toán chỉ đạt trung bình 5,1 điểm, trong khi năm ngoái là 6,73 điểm. Môn Ngữ văn có mức trung bình 5,62 điểm, thấp hơn gần 2 điểm so với năm 2024.

Toàn khối 12 chỉ có duy nhất môn Ngữ văn đạt điểm trung bình trên 7, trong khi các môn còn lại đa số dao động từ 5 đến dưới 6 điểm.

Đặc biệt, số bài thi đạt điểm tuyệt đối (10) cực kỳ thấp, chỉ 389 bài, tương đương 0,08%. Tỷ lệ bài thi đạt từ 8 điểm trở lên cũng chỉ đạt 7,73%, phản ánh mức độ khó và phân hóa cao của đề thi.

Trắc nghiệm đúng/sai – “bẫy điểm” khiến học sinh mất điểm hàng loạt

Năm 2025 là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức khảo sát theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình này áp dụng định dạng đề thi theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, điểm thay đổi lớn nhất là việc sử dụng câu hỏi trắc nghiệm đúng/saivới cáchtính điểm luỹ tiến.

Theo thầy Đoàn Minh Châu – Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương, hình thức trắc nghiệm đúng/sai có 4 ý, mỗi ý cần chọn đúng/sai. T

rả lời đúng 1 ý chỉ được 0,1 điểm, đúng 2 ý mới đạt 0,25 điểm, đúng 3 ý là 0,5 điểm và chỉ khi đúng cả 4 ý mới đạt 1 điểm.

“Học sinh chỉ cần sai một ý đã mất đến 0,5 điểm. Nếu không vững kiến thức, dễ dàng bị kéo từ 8 xuống còn 4-5 điểm,” – em Nguyễn Mạnh Khang, lớp 12D3, Trường THPT Tân Lập chia sẻ.

Số lượng bài từ 3 điểm trở xuống (Ảnh: Vietnamplus)

Ngữ liệu mới trong môn Văn gây lúng túng

Không chỉ các môn trắc nghiệm, ngay cả môn Ngữ văn – vốn là lợi thế của nhiều học sinh – cũng gặp thay đổi lớn.

Đề thi sử dụng ngữ liệu hoàn toàn mới, đòi hỏi học sinh phải tư duy, phân tích và vận dụng thay vì học thuộc như trước.

Trước đây chỉ cần học thuộc là làm được. Bây giờ, ngữ liệu lạ, câu hỏi khai thác sâu, khiến nhiều bạn hoang mang,” em Trần Tiến Long, lớp 12A4, Trường THPT Xuân Phương cho biết.

Chưa kịp thích nghi với chương trình giáo dục phổ thông 2018

Theo thầy Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh, học sinh lớp 12 hiện nay đang học 3 năm theo chương trình mới, nhưng lại có 9 năm trước đó theo chương trình cũ.

Điều này tạo nên sự lệch pha trong cách học và tư duy, khiến việc tiếp cận đề thi mới trở nên khó khăn.

Không chỉ học sinh, nhiều giáo viên cũng chưa có đủ kinh nghiệm với cách ra đề mới, đặc biệt là các câu hỏi tình huống thực tiễn, liên môn, mang tính đánh giá năng lực.

Đề thi phân hóa tốt, đại học yên tâm xét tuyển

Dù điểm thấp, nhưng nhiều chuyên gia khẳng định đề thi năm nay đã phản ánh đúng năng lực học sinh.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN) nhận định, đề khảo sát Hà Nội đã đạt được mục tiêu phân hóa rõ ràng, phục vụ hiệu quả công tác xét tuyển đại học.

“Đề khó hơn, nên cần tính toán kỹ lưỡng khi quy đổi điểm giữa các phương thức xét tuyển để đảm bảo công bằng,” ông Đức nói.

Thầy Đoàn Minh Châu cũng đề xuất: “Cần có chính sách quy đổi điểm linh hoạt, tránh gây thiệt thòi cho thí sinh chỉ sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.”

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu rà soát, phân loại học sinh

Trước thực tế điểm khảo sát cực thấp, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các trường trung học phổ thông tăng cường phân loại học sinh, tập trung ôn tập theo định dạng đề thi mới.

Việc ôn tập cần phủ đều các chủ đề, chú trọng rèn luyện câu hỏi thực tiễn, dạng đúng/sai, và ngắn gọn, súc tích.

Sở cũng nhấn mạnh đề thi khảo sát được xây dựng theo ma trận đề minh họa của Bộ, với tỷ lệ 40% nhận biết, 30% thông hiểu, 30% vận dụng. Nội dung đảm bảo tính phân hóa và đánh giá đúng năng lực thực tế của học sinh.

Phân loại học sinh theo chất lượng (Ảnh: Vietnamplus)

Tăng cường tự học, không tổ chức ôn tập tràn lan

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường thông báo cho học sinh tập trung tự học.

Các em có thể theo dõi chương trình ôn thi trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

Chương trình sẽ bao gồm các bài giảng ôn thi môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh. Lịch ôn tập là vào 21 giờ mỗi tối thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật.

Thời gian phát sóng từ ngày 4/4 đến 8/6.

Học sinh khối lớp 12 nên cài ứng dụng Hanoi On để tham gia ôn luyện thi tốt nghiệp trung học phổ thông.