Động đất tại Myanmar: Hơn 3.000 người thiệt mạng, khủng hoảng nhân đạo, cứu hộ khó khăn do mưa trái mùa

Trận động đất mạnh 7,7 độ Richter xảy ra tại Myanmar vào ngày 28/3 đã khiến ít nhất 3.085 người thiệt mạng, 4.715 người bị thương và 341 người mất tích, theo báo cáo mới nhất từ chính quyền quân sự Myanmar. Tâm chấn gần Mandalay – thành phố lớn thứ hai của Myanmar – đã khiến hàng nghìn ngôi nhà sụp đổ, đường sá hư hỏng nặng và nhiều cây cầu bị phá hủy.
- Đoàn cứu hộ Việt Nam tìm thấy thêm 3 thi thể nạn nhân động đất tại Myanmar
- Người Mỹ phản ứng trái chiều với thuế đối ứng của ông Trump
- Động đất Myanmar: Tiếng gọi trong tuyệt vọng giữa đổ nát
Nội dung chính
Số người chết tiếp tục tăng, nhiều khu vực vẫn chưa thể tiếp cận
Mặc dù con số thương vong đã lên tới hơn 3.000 người, nhưng giới truyền thông địa phương cho rằng số liệu thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng nề vẫn bị cô lập do đường sá bị hư hại và liên lạc bị gián đoạn. Các đội cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận những địa phương này, khiến công tác thống kê thiệt hại và hỗ trợ người dân trở nên chậm trễ.
Trong bối cảnh đất nước đang chìm trong cuộc nội chiến kéo dài, các hoạt động cứu trợ gặp nhiều khó khăn. Cộng đồng quốc tế lo ngại rằng xung đột vũ trang sẽ tiếp tục cản trở quá trình hỗ trợ nạn nhân, đẩy Myanmar vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có.
Động đất giữa khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng
Trước khi động đất xảy ra, Myanmar đã lâm vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng với hơn 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa do chiến sự, và gần 20 triệu người cần viện trợ khẩn cấp, theo Liên Hợp Quốc. Thảm họa lần này càng khiến tình hình thêm tồi tệ khi hàng loạt cơ sở hạ tầng quan trọng bị phá hủy, nguồn lương thực và nước sạch trở nên khan hiếm.
Ngừng bắn tạm thời để hỗ trợ cứu trợ, nhưng căng thẳng vẫn chưa lắng xuống
Nhằm tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ, chính quyền quân sự Myanmar tuyên bố ngừng bắn tạm thời từ ngày 2/4 đến ngày 22/4. Một số nhóm vũ trang đối lập cũng đơn phương tuyên bố ngừng bắn để hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, quân đội Myanmar cảnh báo rằng nếu “lực lượng vũ trang đối lập lợi dụng thời gian ngừng bắn để tổ chức lại, huấn luyện hoặc tiến hành tấn công, thì họ sẽ có các hành động cần thiết để đáp trả”.
Trung Quốc, Nhật Bản tích cực tham gia cứu hộ, dự báo thời tiết sắp gây cản trở
Đáng chú ý, ngày 2/4, đội cứu hộ Trung Quốc thành công giải cứu một người sống sót kỳ diệu sau 120 giờ mắc kẹt, nâng tổng số người sống sót được Trung Quốc cứu lên 9 người.
Theo Tân Hoa xã, người này là nhân viên của khách sạn E-outfitting Golden Country và đã bị mắc kẹt hơn 120 giờ trước khi được tìm thấy trong tình trạng ổn định.
Trung Quốc là quốc gia có số lượng đội cứu hộ và nhân lực lớn nhất tại Myanmar với hơn 500 nhân viên cứu hộ. Đất nước tỉ dân này cũng đã gửi hơn 1.200 lều, 8.000 chăn và 40.000 bộ dụng cụ cứu trợ khẩn cấp đến vùng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc hỗ trợ 1,5 triệu nhân dân tệ (khoảng 206.700 USD) tiền mặt. Tỉnh Vân Nam quyên góp số hàng cứu trợ trị giá 6,1 triệu nhân dân tệ cho các nạn nhân ở Myanmar.
Tính đến nay, Đại sứ quán Myanmar tại Nhật Bản cho biết đã có 53 chuyến bay quốc tế chở hàng cứu trợ đến Myanmar. Hơn 1.900 nhân viên cứu hộ từ 15 quốc gia đã đến hỗ trợ, bao gồm các nước láng giềng Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.
Tuy nhiên, công tác cứu hộ có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong những ngày tới khi dự báo thời tiết cho biết Myanmar sắp có mưa trái mùa kéo dài từ ngày 7/4 đến 11/4. Mưa lớn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu vực bị động đất tàn phá nặng nề, đặc biệt là Mandalay, Sagaing và thủ đô Naypyidaw.
Một nhân viên cứu trợ tại Myanmar bày tỏ lo ngại: “Mưa sắp đến mà vẫn còn rất nhiều người bị chôn vùi. Nếu nước ngập vào đống đổ nát, những người sống sót sẽ có nguy cơ bị nhấn chìm ngay cả khi họ đã cố gắng cầm cự đến bây giờ”.
Ảnh hưởng lan rộng: sập tòa nhà tại Thái Lan, truyền thông Trung Quốc giữ im lặng
Không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng tại Myanmar, trận động đất còn ảnh hưởng đến các quốc gia láng giềng. Tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), một tòa nhà chọc trời đang xây dựng đã bị sập do dư chấn, khiến ít nhất 22 người thiệt mạng, 35 người bị thương và hàng chục người mất tích.
Đáng chú ý, một trong những nhà thầu chính của công trình bị sập là công ty con của Cục 10 Đường sắt Trung Quốc – doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, truyền thông nội địa Trung Quốc gần như không đưa tin về vụ việc này, được cho là do cơ chế kiểm duyệt thông tin chặt chẽ.
Thị trưởng Bangkok, ông Chadchart Sittipunt, cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện dấu hiệu nghi ngờ có sự sống và đang nỗ lực hết sức để cứu các nạn nhân có thể còn sống sót”. Các đội cứu hộ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những người còn mắc kẹt trong đống đổ nát, hy vọng có thể cứu được thêm nhiều người.