Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng khẳng định tại cuộc họp giao ban báo chí vào chiều 26/5, bản thân từng nhận được nhiều phản ánh tình trạng ép học sinh không thi vào lớp 10 và đây là chuyện có thật.

Ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng khẳng định được báo VTC News đăng tải, tình trạng ép học sinh không thi vào lớp 10 THPT là có thật. Tuy nhiên, Sở không có chỉ đạo nào về việc này vì điều đó không ảnh hưởng đến chỉ số về mặt chuyên môn của giáo dục.

Ông Kiệm nói: “Cá nhân tôi cũng nhận được rất nhiều tin nhắn, e-mail, thậm chí thư nặc danh phản ánh về tình trạng trên”.

Trước vấn đề này, Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng ban hành văn bản chấn chỉnh, tất cả người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu để xảy ra tình trạng đó.

Theo chia sẻ của Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng, tình trạng ép học sinh không thi vào lớp 10 THPT xuất phát một phần từ căn bệnh thành tích của ngành.

“Chúng tôi sẽ phải thay đổi đánh giá thi đua. Chúng tôi có thể không đánh giá hoặc chỉ coi việc đánh giá tỷ lệ học sinh thi đỗ THPT công lập là một tiêu chí đánh giá phụ. Thay vào đó, Sở sẽ đánh giá chất lượng điểm đỗ vào THPT công lập”, ông Bùi Văn Kiệm thông tin.

Xem thêm: Bị ám ảnh khi trường bảo không thể thi nổi lớp 10

Trước đó, thông tin lan truyền trên MXH về việc một số trường THCS ở Hà Nội vận động, thậm chí yêu cầu học sinh lớp 9 có học lực kém phải chuyển sang trường tư hoặc cam kết không thi vào lớp 10 công lập mà đi học nghề, đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Chia sẻ với báo VietNamNet, nhiều trường hợp phụ huynh, học sinh cũng nêu lên tình cảnh tương tự bản thân mình đã phải trải qua.

học sinh
Ảnh minh hoạ chụp màn hình trên báo Lao Động.

Em C.A, cựu học sinh của một trường THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy cho hay, năm ngoái, sau khi có kết quả thi cuối học kỳ 1 với điểm số được cho là thấp, đến đầu học kỳ 2, em cùng một số bạn khác được yêu cầu mời bố mẹ lên trường để gặp hiệu trưởng. Song theo A., kết quả học tập của mình ở thời điểm đó không quá kém. Nữ sinh này có Toán và Văn tầm 7 điểm, các môn còn lại hầu như từ 8 trở lên, chỉ môn Vật lý đạt điểm dưới trung bình là 4 điểm.

“Qua lời kể của mẹ em, tại buổi họp, hiệu trưởng nhà trường nói chuyện hướng cho chúng em đi học nghề và bảo rằng không nên thi, bởi nếu thi chuyển cấp thì sẽ ảnh hưởng đến thành tích của trường. Không chỉ tại cuộc họp với hiệu trưởng, mà qua cả thái độ của giáo viên chủ nhiệm trên lớp. Giáo viên chủ nhiệm cũng hay ‘nhắc khéo’ em về việc không nên thi. Cô thường nói: ‘Điểm như thế này thì không biết thi lớp 10 sẽ ảnh hưởng như thế nào’….

Tưởng mình là số ít nhưng năm nay thông qua MXH, em được biết là có vẻ cũng có nhiều trường hợp bị ép buộc nên em muốn lên tiếng về việc này”, A. tâm sự.

Năm ngoái, cuối cùng, sau tất cả, A. vẫn quyết định thi và không làm cam kết không tham gia dự thi. Kết quả, A. vẫn đỗ được vào một trường THPT công lập ở Hà Nội.

Song, vì trường này xa nhà nên gia đình đã quyết định cho em theo học một trường tư ở địa bàn quận Cầu Giấy.

Thế nhưng, theo A., việc này vẫn luôn ám ảnh em về sự hoài nghi đối với bản thân.

“Ở lứa tuổi đó, thấy người ta đánh giá mình như vậy, em vừa cảm thấy buồn bực vừa hoang mang, lo lắng. Bởi học bao nhiêu năm như vậy mà được khuyên không nên thi lớp 10, vì khả năng không thi được, thì vô cùng hụt hẫng. Khi đó em cảm thấy ngại với mọi người xung quanh và tâm lý bị ảnh hưởng một thời gian dài sau đó”, A. chia sẻ.