Trong lúc cả thế giới hướng sự lo lắng về đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã lập hai trạm nghiên cứu trên Đá Chữ Thập và Đá Xu-bi tại quần đảo Trường Sa, tiếp đó, điều thêm máy bay quân sự tới khu vực này.

Ngày 31/3, báo giới Việt Nam dẫn hình ảnh từ bên thứ 3 – công ty Image Sat International (ISI, thuộc Israel) cho thấy, Trung Quốc đã điều máy bay vận tải quân sự Y-8 hạ cánh trái phép trên Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam vào ngày 28/3. 

Phía ISI cho rằng, chiếc Y-8 có thể chở hàng tiếp tế đến đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – khu vực bị Trung Quốc cưỡng chiếm và bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp. 

Về sự việc này, một số bên ngoại giới đã lên tiếng phản ứng. Chuyên gia quốc phòng Swee Lean Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) nhận định với báo Philippine Daily Inquier rằng, Trung Quốc vẫn tiến hành các hoạt động ở Biển Đông, nhưng vì đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu, khiến cộng đồng quốc tế giảm chú ý tới những hành động của Bắc Kinh ở khu vực.

ISI đăng ảnh trên Twitter cho thấy máy bay vận tải quân sự Y-8 của Trung Quốc ở đá Chữ Thập hôm 28/3 (nguồn: ISI).

Về việc này, phía Việt Nam và Trung Quốc có phản ứng trái ngược. Tân Hoa Xã – cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc thừa nhận rằng, họ đã khánh thành hai trạm nghiên cứu trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở Trường Sa. Hai cơ sở nghiên cứu này, đặt dưới sự quản lý của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), bao gồm nhiều phòng lab (thí nghiệm) về sinh thái học, địa chất học và môi trường. Phía Trung Quốc cho rằng, đây là hành động hợp pháp.

Về phía Việt Nam, ngày 26/3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng về hành động của chính quyền Trung Quốc. Bà Hằng nói: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo đó, mọi hoạt động tại hai quần đảo này phải được sự cho phép của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực cũng như nỗ lực của các nước trong tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”.