Hơn một thế kỷ tranh chấp biên giới Campuchia – Thái Lan chưa có hồi kết

Căng thẳng giữa Campuchia và Thái Lan lại leo thang sau vụ nổ súng gần đền Ta Moan Thom hôm 24/7. Giao tranh lan rộng dọc biên giới khiến hàng chục người thương vong, khơi lại lịch sử tranh chấp âm ỉ suốt hơn 100 năm qua xoay quanh đền Preah Vihear và khu vực phụ cận.
- Ngôi đền cổ Ta Moan Thom – tâm điểm căng thẳng biên giới Campuchia – Thái Lan bùng phát
- ASEAN kêu gọi Thái Lan – Campuchia kiềm chế, đối thoại giải quyết căng thẳng
- Lật xe khách lúc rạng sáng tại Hà Tĩnh: 9 người thiệt mạng, 15 người bị thương
Nội dung chính
Biên giới dài 800 km nhưng chưa phân định dứt điểm
Campuchia và Thái Lan chia sẻ đường biên giới dài khoảng 800 km, phần lớn chạy dọc theo dãy núi Dangrek. Tuy nhiên, nhiều khu vực biên giới vẫn chưa được phân định rõ ràng. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc đụng độ quân sự lẻ tẻ trong nhiều năm.
Căng thẳng mới nhất nổ ra rạng sáng 24/7, khi quân đội hai nước nổ súng gần đền Ta Moan Thom, sau đó lan sang các điểm nóng khác. Thái Lan cáo buộc Campuchia khai hỏa pháo phản lực BM-21 vào khu dân cư, buộc họ điều tiêm kích F-16 không kích trả đũa.
Theo giới chức Thái Lan, ít nhất 15 người thiệt mạng và hơn 30 người bị thương. Campuchia chưa xác nhận con số cụ thể.

Tranh chấp âm ỉ từ thời Pháp thuộc
Nguồn gốc tranh chấp biên giới bắt đầu từ năm 1907, khi Pháp – nước bảo hộ Campuchia thời đó – và Thái Lan thỏa thuận vạch biên giới dựa trên đường phân thủy dọc dãy Dangrek. Tuy nhiên, bản đồ Pháp vẽ lại thể hiện đền Preah Vihear thuộc Campuchia, dù nằm phía bắc đường phân thủy.
Thái Lan đã dùng bản đồ này một thời gian dài, nhưng sau khi tự khảo sát vào năm 1930, họ cho rằng có sai sót và bắt đầu khiếu nại. Tuy nhiên, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) cho rằng Thái Lan phản đối quá muộn nên mất quyền kiểm soát ngôi đền.
Sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương năm 1953, Thái Lan chiếm đền Preah Vihear theo biên giới tự nhiên, nhưng Campuchia phản đối mạnh mẽ.
Phán quyết năm 1962 chưa chấm dứt tranh chấp
Năm 1962, ICJ phán quyết Preah Vihear thuộc về Campuchia dựa trên bản đồ Pháp năm 1907. Tuy nhiên, tòa không xác định phần đất liền kề phía bắc ngôi đền – nơi có lối vào chính – thuộc nước nào. Điều này khiến Thái Lan tiếp tục tuyên bố chủ quyền với khu vực xung quanh.
Căng thẳng bị đẩy lên cao vào năm 2008 khi Campuchia đề nghị UNESCO công nhận Preah Vihear là Di sản Thế giới. Thái Lan phản đối, cho rằng Campuchia mượn danh UNESCO để khẳng định chủ quyền với vùng tranh chấp.

Xung đột kéo dài, nhiều lần leo thang
Từ năm 2008–2011, giao tranh bùng phát nhiều lần quanh đền Preah Vihear, Ta Moan Thom và Ta Krabey. Hàng trăm người thương vong, cả binh lính và dân thường. Hai bên cáo buộc nhau vi phạm chủ quyền và nổ súng trước.
Tháng 4/2011, Campuchia đề nghị ICJ giải thích lại phán quyết năm 1962 và yêu cầu các biện pháp tạm thời. Tháng 7 cùng năm, ICJ yêu cầu cả hai rút quân khỏi khu vực tranh chấp, thiết lập “khu phi quân sự tạm thời”.
Tháng 11/2013, ICJ tuyên bố toàn bộ khu vực quanh Preah Vihear thuộc Campuchia, buộc Thái Lan rút quân. Tuy nhiên, Campuchia không được trao thêm ngọn đồi Phnom Trap – nơi vẫn còn tranh chấp.
Căng thẳng chưa hạ nhiệt
Tình hình có vẻ lắng dịu sau phán quyết 2013, nhưng căng thẳng âm ỉ vẫn tồn tại. Hồi tháng 5 năm nay, hai bên lại đụng độ nhỏ tại khu vực biên giới, khiến một binh sĩ Campuchia thiệt mạng.
Dù chính quyền hai nước tuyên bố muốn giảm căng thẳng, cả Thái Lan và Campuchia đều tăng cường quân tại các điểm nóng. Biên giới bị siết chặt, hoạt động qua lại gần như tê liệt. Campuchia còn cấm phim, chương trình truyền hình Thái Lan, ngừng nhập một số hàng hóa, và tẩy chay các dịch vụ viễn thông, điện năng từ Thái Lan.
Xung đột ngày 24/7: leo thang nghiêm trọng
Ngày 24/7, sau khi nổ súng tại Ta Moan Thom, giao tranh tiếp tục lan rộng. Thái Lan tuyên bố đóng cửa hoàn toàn biên giới. Quân đội hai nước sử dụng cả pháo binh và rocket trong các cuộc giao tranh.
Truyền thông Thái Lan đưa tin nước này đã chiếm được đền Preah Vihear và Ta Krabey. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Campuchia bác bỏ, khẳng định các ngôi đền vẫn nằm trong quyền kiểm soát của họ.
Tranh chấp chưa có hồi kết
Dù có phán quyết từ ICJ và nỗ lực hòa giải của ASEAN, tranh chấp Campuchia – Thái Lan vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Những mâu thuẫn lịch sử, cộng thêm chủ nghĩa dân tộc và lợi ích chiến lược, tiếp tục là những nhân tố khiến căng thẳng bùng phát bất kỳ lúc nào.
Theo VnExpress