Một đợt lạnh kéo dài khắp châu Âu sẽ dẫn đến giá năng lượng tăng cao và nhanh chóng rút cạn kho dự trữ khí đốt của EU. Đây là cảnh báo đã được đưa ra trong tháng trước và  thời điểm đó cuối cùng đã đến vào giữa tháng 12 này.

Dự báo mới nhất của Bloomberg hôm 9/12 cho thấy nhiệt độ trung bình trên khắp Tây Bắc Châu Âu dự kiến ​​sẽ giảm sâu xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua. 

Tờ bloomberg viết: “Một đợt đóng băng cay đắng đã giáng xuống nửa phía bắc của khu vực và nó sẽ ngày càng giảm sâu hơn. Cơ quan khí hậu Quốc gia của Anh đã đưa ra cảnh báo về tuyết và băng ở các vùng của đất nước, bao gồm cả London vào cuối tuần qua. Theo nhà dự báo thời tiết Maxar, nhiệt độ ban đêm ở các nước vùng Scandinavia vào tuần tới dự kiến ​​sẽ giảm xuống mức thấp nhất là -23 độ C”. 

Châu Âu được cho là đã nạp đầy tới 96% lượng khí đốt trong kho dự trữ vào tháng trước do thời tiết ấm bất thường. Trước đó, Giám đốc tập đoàn Gazprom từng cảnh báo rằng,  ngay cả khi châu Âu lấp đầy kho dự trữ, thì chỉ cần một đợt lạnh trong vòng ít ngày, cũng rút cạn lượng khí đốt trong kho. 

Điều nguy hiểm là, châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng điện năng, khi cả Đức, Pháp và Anh đang thiếu điện trầm trọng. 

Tờ bloomberg cho biết,  “việc sản xuất điện gió ở Anh dự kiến ​​sẽ sụt giảm”, “Trong khi đó, sản lượng hạt nhân ở Pháp và Thụy Điển – nguồn năng lượng cơ bản của cả hai nước – đã bị đình trệ do lò phản ứng đã ngừng hoạt động kéo dài”. Lưu ý là, Pháp là nhà xuất khẩu điện ra khắp châu Âu và là đối tác cung cấp chính cho Đức. 

Nhà báo Javier Blas của tờ Bloomberg nhận định  như sau: 

“Vấn đề lớn nhất của tôi với câu thần chú “điều tồi tệ nhất đã qua” là mùa lạnh chỉ mới bắt đầu. Mùa đông bắt đầu vào ngày 1/12….và mùa đông thực sự bắt đầu là ngày 21/12. Phía trước là hơn 100 ngày lạnh nhất trong năm. Và đơn giản là chúng ta không biết liệu mùa này sẽ bình thường, ôn hòa hay lạnh buốt.” 

Theo nhà báo này thì thị trường năng lượng châu Âu căng thẳng đến mức, chỉ cần thời tiết sụt giảm vài độ C,  hoặc một vài ngày “sóng yên gió lặng” cũng có thể khiến châu Âu phải đối mặt với tình trạng mất điện, và không thể có đủ điện để vượt qua mùa đông.

Javier Blas giải thích rằng giá năng lượng vẫn rất cao và châu Âu giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, khi ông cho biết:

“Chưa hết, giá khí đốt và điện vẫn ở mức cao ngất ngưởng so với mức trung bình trong lịch sử. Ngay cả sau khi giảm, giá xăng ngày nay vẫn đắt gấp 7 lần so với giai đoạn 2000-2020; giá điện cao gấp 10 lần. Tác động tích lũy cũng quan trọng. Vấn đề không phải là giá tăng cao như thế nào, mà là kéo dài bao lâu. Thời kỳ giá cao hôm nay có vẻ như sẽ kéo dài trong một thời gian.” 

Theo ông, một “kịch bản khủng khiếp” đang mở ra trước mắt châu Âu, mà các chuyên gia năng lượng Đức gọi là Dunkelflaute (“khủng hoảng đen tối), đó là thời kỳ ít điện mặt trời và điện gió trong khi nhu cầu sử dụng năng lượng lại cao do nhiệt độ giảm thấp.

Có thể nói, đợt lạnh sắp tới này sẽ là bài thử nghiệm thích hợp đầu tiên đối với hệ thống lưới điện của EU, trong bối cảnh phải đèo bòng thêm Ukraine khi cơ sở  hạ tầng năng lượng của nước này đã bị Nga gần như phá hủy hoàn toàn.

Có thể bạn quan tâm: