Mỹ cay đắng lẫn thất vọng; Đồng minh NATO chia rẽ mạnh mẽ
Việc Mỹ và đồng minh quyết định gửi xe tăng đến Ukraine cho thấy phương Tây đang tuyệt vọng và có khả năng quyết định đối đầu với Moscow bằng một mối đe dọa quân sự hiện hữu ở Ukraine, khi Tổng thư ký NATO từng nhiều lần tuyên bố rằng, Nga không được phép chiến thắng.
Mỹ cay đắng lẫn thất vọng
Giới quan sát và nhiều cựu quan chức tướng lĩnh của Mỹ và Đức đều lo lắng việc chính quyền Biden tiếp tục leo thang đang đẩy Mỹ và Nga tới bờ vực chiến tranh hạt nhân.
Douglas Macgregor, Đại tá đã nghỉ hưu và là cựu cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Trump đã có những bình luận rất xác thực xung quanh cuộc xung đột tại Ukraine.
Ông đã đưa ra những cảnh báo đáng quan ngại khi Mỹ đã từng giới hạn việc sử dụng sức mạnh quân sự của mình trong các cuộc xung đột mà người Mỹ có nguy cơ bị yếu thế và bị thua, từ cuộc chiến tranh với các đối thủ yếu hơn nhiều tại Sài Gòn cho đến Baghdad. Nhưng lần này, một cuộc chiến ủy nhiệm với Nga thì khác.
Trái ngược với những kỳ vọng ban đầu của chính quyền Biden, rằng đồng rúp sẽ nhanh chóng trở thành đống đổ nát, rằng nội bộ nước Nga sẽ chia rẽ, phản đối và lật đổ Tổng thống Putin. Tuy nhiên nước Nga không sụp đổ cũng như không đầu hàng trước những yêu cầu tập thể của phương Tây về thay đổi chế độ ở Moscow. Washington đã đánh giá thấp sự gắn kết xã hội, tiềm năng quân sự và khả năng miễn nhiễm tương đối của Nga đối với các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây.
Kết quả là cuộc chiến ủy nhiệm của chính quyền Biden chống lại Nga đang thất bại. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thẳng thắn thừa nhận một cách bất thường về tình hình ở Ukraine khi ông nói với các đồng minh tại Căn cứ Không quân Ramstein hôm 20/1 như sau: “Chúng ta có một cơ hội ở đây, từ nay đến mùa xuân. Đó không phải là một khoảng thời gian dài”.
Trong khi ấy, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, đã lặp lại đánh giá mà ông đã đưa ra kể từ mùa thu năm ngoái, rằng đàm phán là giải pháp tốt nhất.
Ông nói: “Trong năm nay, sẽ rất, rất khó để loại bỏ quân đội Nga. Điều tốt nhất có thể hy vọng là thúc ép Nga tham gia một cuộc đàm phán ngoại giao — cách mà hầu hết các cuộc chiến tranh kết thúc — mặc dù các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ nói rằng họ ít kỳ vọng rằng ông Putin sẽ tham gia các cuộc đàm phán nghiêm túc”.
Aleksey Arestovich, cố vấn vừa bị sa thải của Tổng thống Zelensky đã bày tỏ sự nghi ngờ của chính ông, rằng Ukraine có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga, và thậm chí ông này còn đặt câu hỏi liệu Ukraine có thể sống sót sau chiến tranh hay không.
Tổn thất binh sĩ của Ukraine lên tới 3 con số mỗi ngày và ít nhất 150.000 binh sĩ đã thiệt mạng, bao gồm 35.000 người mất tích trong chiến đấu. Với sự tiêu hao nhân lực này, lực lượng Ukraine đã suy yếu nghiêm trọng, dẫn đến thế phòng thủ mong manh của Ukraine có thể sẽ tan vỡ dưới áp lực tấn công của lực lượng Nga trong vài tuần tới.
Cựu sĩ quan tình báo Thủy quân lục chiến Mỹ, và từng là thanh tra vũ khí của Liên Hợp Quốc Scott Ritter cho biết: “Ukraine đã hấp thụ các thiết bị NATO trị giá hàng tỷ, hàng chục tỷ đô la… Và sau đó trong một tháng, Ukraine đã đốt cháy gần như mọi thứ. Thương vong mà họ phải gánh chịu thật khủng khiếp…”.
Tổn thất vật chất của Ukraine cũng nghiêm trọng không kém, bao gồm hàng nghìn xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, hệ thống pháo binh, bệ phòng không và vũ khí thuộc mọi cỡ từ thời Liên Xô và cả từ kho dự trữ của NATO, nhưng đã bị phía Nga phá hủy trong hơn 11 tháng qua.
Giám đốc điều hành tập đoàn vũ khí Raytheon Mỹ Greg Hayes từng lên tiếng thừa nhận rằng, Ukraine đã tiêu tốn quá nhiều vũ khí, tổng số này tương đương “sử dụng hết 13 năm sản xuất [tên lửa] Stinger và 5 năm sản xuất tên lửa Javelin.”
Trong bối cảnh mà các hệ thống pháo binh của Nga có thể bắn gần 60.000 viên đạn đủ loại mỗi ngày từ đạn dược, tên lửa cho đến máy bay không người lái, thì phía Ukraine khó có thể đáp trả những cuộc tấn công này của Nga khi chỉ bắn trả với 6.000 viên đạn mỗi ngày.
Các gói viện trợ vũ khí cho Ukraine thực chất là làm giàu cho cộng đồng tài phiệt quốc phòng Mỹ, nhưng khó có thể giúp Ukraine có thể thay đổi thế cục cuộc chiến khi nước này đã mất hầu hết các lực lượng tinh nhuệ.
Có điều, tổ hợp công nghiệp-quân sự của Mỹ đang kiếm được nhiều lợi nhuận nhờ chiến tranh ở Ukraine và các cuộc xung đột toàn cầu khác, với việc các nhà sản xuất vũ khí được hưởng lợi nhuận tăng vọt. Bước nhảy vọt phần lớn nhờ vào sự ủng hộ của chính quyền Biden trong việc kéo dài cuộc chiến ở Ukraine.
Tờ The Hill hôm 25/1 cho biết, “Doanh số bán vũ khí của Mỹ cho các quốc gia khác đã tăng mạnh vào năm 2022, lên tới hơn 51,9 tỷ USD, phần lớn là do cuộc chiến của Nga với Ukraine.”
Dù đã đổ hàng đống tiền của vào Ukraine, nỗi thất vọng của Tổng thống Biden đang gia tăng với sự thất bại tập thể của phương Tây trong việc ngăn chặn làn sóng thất bại của Ukraine. Trên thực tế, sự thất vọng đang nhanh chóng nhường chỗ cho sự tuyệt vọng.
Michael Rubin, doanh nhân tỷ phú người Mỹ và là người ủng hộ cuồng nhiệt các cuộc xung đột lâu dài của Mỹ ở Trung Đông và Afghanistan dưới thời Tổng thống Bush, đã bày tỏ sự thất vọng của mình trong một bài báo có tiêu đề: “Ukraine Cần Vũ Khí Hạt Nhân Sau Khi Chiến Tranh Nga Kết Thúc” trên tờ 19fortyfive như sau:
“Nếu thế giới cho phép Nga tiếp tục là một quốc gia thống nhất và nếu thế giới cho phép chủ nghĩa Putin tồn tại với Putin, thì Ukraine nên được phép duy trì khả năng răn đe hạt nhân của riêng mình, cho dù nước này có gia nhập NATO hay không”.
Nếu chỉ nghe thoáng qua thì thấy đề xuất này là cực kỳ liều lĩnh, nhưng nếu tìm hiểu kỹ hơn chúng ta sẽ thấy tuyên bố này phản ánh chính xác sự lo lắng tại Washington, rằng thất bại của Ukraine là khó có thể tránh khỏi.
Mặc dù Washington và Brussel vẫn luôn tuyên bố là NATO chưa bao giờ đoàn kết thống nhất như bây giờ, nhưng thực tế liên minh này đang cho thấy có sự chia rẽ mạnh sau chiến dịch của Washington nhằm làm suy yếu nước Nga, khi nhiều quốc gia châu Âu đã mệt mỏi vì cuộc xung đột Ukraine.
Điều này cũng phù hợp với kết quả của một cuộc khảo sát mới đây cho thấy một tỷ lệ áp đảo, khi có tới 82% người dân châu Âu kỳ vọng các nhà lãnh đạo của họ sẽ hướng tới một thỏa thuận hòa bình Nga – Ukraine càng sớm càng tốt để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
Đồng minh NATO chia rẽ mạnh mẽ
Trong khi các quốc gia Baltic đặc biệt là Ba Lan thể hiện sự đồng thuận với Mỹ trong việc tăng cường viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine thì ở các quốc gia Tây Âu cho thấy có sự ngần ngại, nếu không muốn nói là miễn cưỡng chuyển giao khí tài cho Kyiv, đặc biệt là bộ ba cường quốc EU là Đức, Pháp, Ý.
Hôm 29/1, nước Ý dội một gáo nước lạnh lên sự đoàn kết giả tạo của NATO khi Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani tuyên bố rằng nước ông sẽ không cung cấp vũ khí tấn công cho chính quyền Kyiv, mà chỉ cung cấp vũ khí phòng thủ.
Ngoại trưởng Antonio Tajani nhấn mạnh: “Chúng tôi không có chiến tranh với Nga, chúng tôi không có gì chống lại người dân Nga và sẽ không có xe tăng Ý ở Ukraine”. “[Tổng thống] Zelensky và [Tổng thống] Putin cuối cùng sẽ phải ngồi xuống bàn đàm phán. Mỹ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Vatican và trên hết là Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ to lớn là tìm ra giải pháp”.
Nội bộ lãnh đạo Đức lại có sự chia rẽ rõ rệt khi Thủ tướng Scholz và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht thuộc Đảng Dân chủ Xã hội phản đối viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, thì Ngoại trưởng Annalena Baerbock và Phó Thủ tướng Robert Habeck thuộc Đảng Xanh lại ủng hộ mạnh mẽ.
Hôm 24/1, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã tuyên chiến với Nga trong cuộc tranh luận tại Nghị viện Hội đồng châu Âu (PACE) khi bà này nói: “Chúng ta đang tiến hành một cuộc chiến chống lại Nga, chứ không phải chống lại nhau”. Trong khi ấy phát biểu với đài truyền hình công cộng Đức ZDF, Thủ tướng Scholz tuyên bố: “Không nên có chiến tranh giữa Nga và NATO”.
Việc Đức chuyển giao xe tăng Leopard dưới sức ép của Mỹ và đồng minh đã dẫn tới một cuộc tranh luận trên Đài truyền hình công cộng Đức ZDF.
“Cựu Chủ tịch Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp Đức, Hans-Georg Maassen, cảnh báo: “Giờ đây, chúng ta có thể trở thành mục tiêu tấn công của Nga với những đợt chuyển giao vũ khí này” và đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta lại phơi mình trước xung đột hạt nhân?”
Trái ngược với nhiều chính trị gia phương Tây, ông Maassen không coi Ukraine là pháo đài của tự do và hòa bình ở phương Tây, cũng không phải là thành trì của nhân quyền. Theo chỉ số toàn cầu về tội phạm có tổ chức, Ukraine xếp thứ 34,6.”
Thể hiện quan điểm gay gắt hơn chính là giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary và Croatia. Hôm 27/1, Tổng thống Croatia Zoran Milanović đã mắng Ngoại trưởng Đức vì tuyên bố châu Âu hiện đang có chiến tranh với Nga, và gọi nhận xét của bà là “điên rồ.”
Tổng thống Milanović khẳng định Croatia “không đời nào” bị kéo vào “cuộc chiến ủy nhiệm” giữa NATO và Nga khi nhà lãnh đạo này châm biếm: “Ngoại trưởng Đức nói rằng chúng ta phải đoàn kết,… chúng ta đang có chiến tranh với Nga. Tôi không biết điều đó. Có thể Đức đang có chiến tranh với Nga, nhưng chúc may mắn. Có lẽ lần này nó trở nên tốt hơn so với 70 năm trước”.
Tổng thống Croatia bày tỏ sự ngạc nhiên trước những bình luận của [ngoại trưởng Đức] Baerbock, và đặt câu hỏi liệu những nhận xét mang tính kích động của bà ngoại trưởng Đức có phải là một nỗ lực nhằm làm suy yếu Thủ tướng Olaf Scholz hay không.
Tổng thống Croatia nói: “Nếu chúng ta đang có chiến tranh với Nga, thì hãy xem chúng ta cần phải làm gì. Nhưng chúng tôi sẽ không hỏi ý kiến của Đức…. Tôi đã tham gia chính trị trong một thời gian dài và đất nước chúng tôi đã trải qua rất nhiều điều, nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến sự điên rồ như thế này trước đây”.
Quan điểm của Tổng thống Croatia cũng trùng lặp với Hungary khi Ngoại trưởng Péter Szijjártó hôm 26/1 đã bác bỏ quan điểm người đồng cấp Đức, rằng châu Âu đang đoàn kết tiến hành một cuộc chiến chống lại Nga. Ngoại trưởng Hungary tuyên bố:
“Chúng tôi không gây chiến với bất kỳ ai, chúng tôi không muốn gây chiến với bất kỳ ai, chúng tôi muốn đứng ngoài cuộc chiến này và an ninh của Hungary cũng như người dân Hungary là điều quan trọng nhất đối với chúng tôi”.
“Người dân Hungary không chịu trách nhiệm về cuộc chiến này, người dân Hungary không phải chịu trách nhiệm về việc bùng nổ cuộc chiến này, người dân Hungary không muốn cuộc chiến này”.
Ngày nay, nước Nga dưới thời Tổng thống Putin không phải là Liên Xô, nhưng NATO vẫn không từ bỏ các học thuyết có từ thời Chiến tranh lạnh. Liệu chính quyền Biden sẽ đi về đâu với cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga?
Có thể bạn quan tâm: