Việt Nam là một trong những đối tác được Mỹ hướng tới, khi được chính quyền Trump mời tham gia thảo luận cùng Bộ tứ Kim cương về kế hoạch tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, tách khỏi Trung Quốc.

Dịch Viêm phổi Vũ Hán không chỉ gây ra cú sốc y tế toàn cầu, mà còn phơi bày những mặt tối của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Trung Quốc đang ở vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng bởi hơn hai thập kỷ trước, nhiều tập đoàn kinh tế của Mỹ và Châu Âu đặt các dây chuyền sản xuất ở đất nước tỷ dân này.

Tờ Nikkei Asian Review tuần trước đưa tin Apple đang chuẩn bị sản xuất 3-4 triệu tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam trong quý II năm nay, chiếm 30% sản lượng của hãng. Đây là một trong những động thái cho thấy tín hiệu rời khỏi Trung Quốc đang được Mỹ quyết tâm thực hiện.

Công nhân trong nhà máy Foxconn, sản xuất các thiết bị của Apple tại Trung Quốc – ảnh trên Zing.

Truyền thông liên tục đưa tin những tính toán của Mỹ để áp thuế nhập khẩu bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc như một biện pháp trừng phạt Bắc Kinh vì cách xử lý đại dịch Covid-19. Đồng thời, Washington có những động thái quyết liệt nhằm tách chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Bài đăng hôm 4/5 của Hãng Reuters cho biết chính quyền ông Trump đang lên kế hoạch rút chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Trước đó, tờ India Times đưa tin nhóm Bộ tứ Kim cương gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ chính thức mời Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam cùng tham gia thảo luận. Nhóm mới 7 nước được thiết lập tạm với tên gọi ”Bộ tứ mở rộng” (QUAD Plus).

Hãng Reuters cũng dẫn lời phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về việc nước này đang có kế hoạch làm việc với các nước bạn để xây dựng nhóm quốc gia “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” của Mỹ trong thời gian sắp tới.

Chưa chính thức quốc gia nào sẽ có cơ hội nằm trong mạng lưới này, nhưng Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia, Ấn Độ và Việt Nam hiện tại giữ vai trò quan trọng trong mối quan hệ làm ăn với Mỹ, sẽ là các quốc gia được Mỹ đặt làm mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.