Năm thống đốc Nga đồng loạt từ chức trong vài giờ
Năm thống đốc Nga đồng loạt tuyên bố từ chức vào hôm thứ Ba (10/5), đúng một ngày sau khi Điện Kremlin kỷ niệm Ngày chiến thắng. Làn sóng từ chức bất thường hiện đang gây xôn xao dư luận ở Nga.
Trong vòng vài giờ ngày 10/5, năm người đứng đầu khu vực ở các vùng khác nhau của Nga đã thông báo sẽ từ chức hoặc không tái tranh cử.
Hai trong số các thống đốc từ chức là Sergey Zhvachkin của vùng Tomsk thuộc Siberia Tomsk, và Valery Radaev của vùng liên bang Volga, đã phục vụ trong hai nhiệm kỳ liên tiếp và đảm nhiệm các chức vụ trong một thập kỷ kể từ năm 2012. Lý do từ chức được đưa ra là vấn đề tuổi tác và hoặc đã giữ nhiệm kỳ thời gian dài.
Thống đốc tỉnh Kirov – một khu vực khác ở vùng liên bang Volga – ông Igor Vasilyev, đã đảm nhiệm chức vụ từ năm 2016, cho biết đã đề nghị Tổng thống Putin miễn nhiệm ông vì có kế hoạch làm việc ở “cấp liên bang”.
Hai thống đốc sắp mãn nhiệm khác cũng xin từ chức là Nikolay Lyubimov của tỉnh Ryazan ở miền trung nước Nga, và Alexander Evstifeev đứng đầu Cộng hòa Mari El – một khu tự trị của người Mari bản địa. Cả hai đều từng là thống đốc từ năm 2017. Cả hai đều không công khai lý do từ chức.
Theo RT, tất cả 5 thống đốc này sẽ mãn nhiệm vào cuối năm nay, trước cuộc bầu cử khu vực dự kiến diễn ra vào ngày 11/9. Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh bổ nhiệm quyền thống đốc cho cả năm khu vực. Hai trong số này trước đây từng làm việc với chính quyền Putin.
Làn sóng từ chức đang thúc đẩy các đồn đoán
Việc từ chức hàng loạt trên thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị Nga Aleksey Markin không coi đây là một sự kiện bất thường. Ông Markin cho hay, trước đây, các thống đốc cũng đôi khi tuyên bố từ chức trước cuộc bầu cử nếu họ cảm thấy sự tín nhiệm của người dân đối với họ đang sụt giảm.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời nhà khoa học chính trị Nga Ilya Grashchenkov cho biết Điện Kremlin đang loại bỏ các thống đốc yếu kém trong bối cảnh triển vọng kinh tế của đất nước ngày càng xấu đi, do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Truyền thông Đức nói rằng nhiều người dùng trên Telegram đang tự hỏi liệu các chính trị gia có thể không còn muốn ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine và những hậu quả kinh tế đối với các tỉnh của Nga hay không.
Nhà khoa học chính trị Abbas Galljamov lại cho rằng làn sóng này có thể là dấu hiệu cho thấy con tàu bị lật và “lũ chuột thà bỏ tàu”.