Nga sẽ mở chiến dịch mùa đông?
Lướt qua bản ghi dài tới 18.000 từ của cuộc gặp kéo dài hàng tiếng đồng hồ hôm 25/11, giữa Tổng thống Putin và 17 bà mẹ của các binh sĩ Nga tham chiến tại Ukraine, người ta có thể dự đoán được rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể tiếp tục kéo dài đến năm 2023, và thậm chí còn xa hơn nữa.
Cuộc gặp mặt diễn ra trong bầu không khí thẳng thắn, khi Tổng thống đối thoại với những bà mẹ đến từ những vùng xa xôi, họ có con trai đang chiến đấu trên chiến trường, hoặc bị tử trận hoặc bị thương nặng đang phải điều trị.
Cuộc gặp mặt này không thể được dàn dựng sẵn theo kịch bản, vì những cảm xúc dồn nén diễn ra trước máy quay được phát trên truyền hình, khi các bà mẹ đã phàn nàn về thức ăn không đủ nóng cho binh sĩ ở tiền tuyến, về chất lượng quân phục cho binh lính, hay chỉ trích thái độ thờ ơ của một số quan chức quân đội địa phương.
Điều nổi bật trong những cuộc trao đổi thẳng thắn như vậy là vốn liếng chính trị to lớn của Tổng thống Putin, khi ông chiếm được sự ủng hộ rất lớn của dân chúng Nga.
Nếu khó khăn kinh tế dẫn đến bất ổn xã hội và bất ổn chính trị ở EU sẽ khiến các chính trị gia châu Âu gặp bất lợi, nhưng chưa ai dám thừa nhận công khai rằng, công dân của họ với tư cách là chiến binh nước ngoài đang chiến đấu với lực lượng Nga và bỏ mạng trên những thảo nguyên rộng lớn ở Ukraine.
Liệu các chính trị gia phương Tây, mà Ba Lan là một ví dụ, có thể cam kết rằng những chiến binh đánh thuê” của họ sẽ không phải bỏ mạng một cách vô ích? Điều gì sẽ xảy ra nếu dòng người tị nạn rời khỏi Ukraine đổ vào Tây Âu khi giá lạnh ùa đến?
Nga tăng tốc ở Bakhmut
Về mặt quân sự, Nga có ưu thế leo thang và là ưu thế vượt trội rõ rệt so với NATO nếu xét trên một loạt các nấc thang khi xung đột tiến triển. Hoạt động tăng tốc của Nga ở thành phố chiến lược Bakhmut có thể nói là một trường hợp điển hình.
Việc triển khai binh lính chính quy trong những ngày gần đây cho thấy Nga đang trên đà leo thang để kết thúc cuộc giằng co kéo dài 4 tháng tại thành phố Bakhmut ở tỉnh Donetsk, nơi mà các nhà phân tích quân sự thường mô tả là chốt chặn phòng thủ trọng yếu của Kyiv ở khu vực phía Đông Donbass.
Thành phố Bakhmut nằm trên trục đường dẫn tới hai thành phố công nghiệp Slovyansk và Kramatorsk, được đánh giá là các đô thị lớn nhất cuối cùng mà Kyiv còn kiểm soát ở Donetsk.
Bất chấp nỗ lực phản công của Ukraine dọc chiến tuyến phía Bắc và phía Nam, Nga được cho là vẫn duy trì đà tiến công chậm rãi trên mặt trận Donetsk, và đang siết dần vòng vây quanh đô thị Bakhmut này.
Giới chuyên gia quân sự nhận định, lực lượng Nga đang gây áp lực lên quân đội Ukraine ở Bakhmut thông qua hỏa lực pháo binh áp đảo giống như tình huống ở Severodonetsk và Lysychansk.
Tờ New York Times hôm 27/11 đã đưa tin hiếm hoi về những tổn thất to lớn mà lực lượng Ukraine phải gánh chịu trong những tuần gần đây.
Rõ ràng, các đơn vị của Tập đoàn an ninh tư nhân Wagner của Nga đã dồn lực lượng Ukraine vào thế phòng thủ. Để giữ chốt quan trọng Bakhmut, Ukraine đã dồn tới 30.000 quân bao gồm cả các đơn vị tinh nhuệ và hiện giờ tất cả đều đang bị hao mòn bởi các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của lực lượng Nga.
Báo cáo của New York Times dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ nhận định, Nga có thể biến thành phố Bakhmut thành “một hố đen tiêu hao tài nguyên của Kyiv”. Mô hình này cũng sẽ lặp lại ở những nơi khác, ngoại trừ việc các lực lượng Nga sẽ mạnh hơn, vượt trội hơn về số lượng và được trang bị tốt hơn rất nhiều.
Tổng tấn công mùa đông?
Tổng hợp lại tất cả những yếu tố, tình báo Anh và Mỹ đã xác định khả năng xảy ra một cuộc tấn công mùa đông của Nga là khá cao. Tướng Sergei Surovikin, chỉ huy chiến trường Ukraine, đang nắm giữ la bàn của các hoạt động quân sự đặc biệt, mà đòn tấn công đầu tiên của ông chính là phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Tại Diễn đàn Bucharest hôm 29/11, chính Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng phải thừa nhận như sau: “Chúng ta phải nhận ra rằng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine có tác động to lớn”. “Tất cả chúng ta đều đã xem hình ảnh vệ tinh nơi châu Âu tràn ngập ánh sáng và Ukraine chìm trong bóng tối. Điều này phản ánh những hậu quả to lớn và nhiệm vụ to lớn là phải tái thiết tất cả”. Theo ông, bất chấp hoạt động của hệ thống phòng không Ukraine, “những cuộc không kích này (của Nga) đã gây ra thiệt hại đáng kể”, theo TASS.
Tuyên bố này của Tổng thư ký NATO chẳng khác nào thừa nhận sau 8 năm Mỹ và NATO đổ hàng tấn tiền của để đào tạo, huấn luyện và cung cấp trang thiết bị cho Ukraine, phòng không tên lửa của nước này vẫn bất lực trước tên lửa của Nga.
Trong những tháng đầu của cuộc chiến, các cuộc tấn công bằng đường không chiến lược của Nga chỉ giới hạn ở các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình ở quy mô hạn chế. Nhưng dù vậy cũng đã phá hủy 1/3 lưới phòng không của Ukraine.
Giới quan sát nhận định, nếu lực lượng phòng không Nga tung ra bộ ba kết hợp giữa các trạm radar hiện đại (RLS), hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến (SAM) và máy bay chiến đấu ngay từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, thì lực lượng phòng không Ukraine đã phải chịu tổn thất nặng nề ngay trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến.
Sau 9 tháng giao tranh Ukraine có nguy cơ cạn kiệt vũ khí phòng không và đang cần sự trợ giúp khẩn cấp từ phương Tây để tự vệ, theo CNBC.
Trong khi ấy Tổng thư ký NATO nói rằng liên minh đang nghiên cứu khả năng cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không mới. Nói cách khác, đây chính là sự thừa nhận thực tế rằng, lực lượng phòng không của Ukraine đang ở trong tình trạng đổ nát.
Cuộc họp ngoại trưởng của các nước NATO tại Bucharest (Romania) hôm 29/11 được cho là tập trung vào việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong đó có các hệ thống phòng không và đạn dược.
Trong bài diễn văn khai mạc tại Diễn đàn Bucharest hôm 29/11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định liên minh này sẽ không lùi bước trong việc ủng hộ Ukraine, đồng thời kêu gọi các đối tác tăng cường hỗ trợ cho Kyiv trong mùa đông tới, khi ông tuyên bố như sau:
“Và nếu chúng ta để Putin chiến thắng, tất cả chúng ta sẽ phải trả giá đắt hơn nhiều, trong nhiều năm tới.
…Do đó, để tạo điều kiện cho hòa bình lâu dài, đảm bảo rằng Ukraine chiếm ưu thế với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền, chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Vì vậy, thông điệp của chúng tôi từ Bucharest là NATO sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine cho đến chừng nào còn có thể. Chúng tôi sẽ không lùi bước”.
Nhưng NATO cũng đang dần bất lực bởi Châu Âu không thể chịu đựng thêm được nữa, khi nền kinh tế châu lục này đang dần dần sụp đổ trong làn sóng bất ổn xã hội, giá cả leo thang và lạm phát tăng lên 2 con số. Liệu các quốc gia còn có tâm trí và đủ khả năng và sự nhiệt tình để theo đuổi cuộc chiến tại Ukraine.
Có thể bạn quan tâm: