Nhìn thấy con trai khỏe mạnh lên từng ngày, chị Nguyễn Thị Bích Lại (36 tuổi) nghẹn ngào vì dường như mình đã “sinh con ra lần nữa”. Sau nhiều lần dùng da mình ghép cho con, sức khỏe của chị đã yếu đi phần nào.

Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Bích Lại (36 tuổi). Trò chuyện qua điện thoại, phóng viên báo Thanh Niên vẫn cảm nhận rõ lòng chị vẫn như lửa đốt mỗi khi nhắc về vết bỏng của con trai là Lê Minh Doan (17 tuổi).

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Chị Lại kể, sáng đó hai vợ chồng đi rẫy, ở nhà có ba anh em. Doan lấy than nhóm lửa để nấu đồ ăn nhưng không cháy nên dùng xăng để mồi, bất ngờ cả can xăng bùng cháy hừng hực.

Trong giây phút sinh tử, Doan liều mình ôm can xăng đang cháy chạy vào nhà tắm. Em sợ lửa bắt sang bình gas gần đó sẽ cháy luôn nhà bếp, ảnh hưởng đến 2 em đang ở phòng kế bên.

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Em Lưu Thị Kim Yến (14 tuổi), em gái Doan nhớ lại: “Lúc nghe anh ở dưới bếp la lên thì em liền chạy xuống, thấy người anh toàn lửa. Em hoảng quá chỉ nhớ lấy điện thoại gọi cho ba mẹ rồi nói ‘cháy nhà, cháy nhà'”.

“Lúc vợ chồng tôi về là nó đã được hàng xóm dập lửa rồi quấn chăn nằm im ru ngoài đường. Tôi tưởng nó chết rồi nên vừa khóc vừa nói ‘con đừng bỏ mẹ đi’. Nào ngờ con cử động rồi thều thào được vài câu, lúc đó tim mình như vỡ ra”, chị Lại kể.

Gia đình tức tốc đưa Doan lên bệnh viện tỉnh rồi chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy ngay trong đêm. Sau khi nhập viện 2 tháng thì em có thể nhận da ghép từ người thân để vết thương phục hồi.

“Hôm nào con ngủ được thì mình an tâm, hôm nào con sốt, vết thương chảy máu thì hai vợ chồng không ăn uống gì được, chỉ biết xuống sân ngồi khóc để con không thấy”, anh Lưu Minh Hiển (41 tuổi), ba Doan nhớ lại.

Bác sĩ Phạm Phước Tiến, điều trị cho Doan nói khi mới chuyển vào Chợ Rẫy, Doan bỏng 76%, sâu 50% và trong tình trạng sốc bỏng.

“Đây là trường hợp bỏng nặng, số người qua khỏi không nhiều. Tuy nhiên, qua 6 ca phẫu thuật, trong đó có 3 lần nhận da ghép từ mẹ và cậu, vết bỏng của Doan đang được làm lành và sức khỏe cũng dần hồi phục”, bác sĩ Tiến nói.

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Gia đình Doan ở thôn Kim Sơn, xã An Thọ, huyện Tuy An, Phú Yên. Cha mẹ em quanh năm suốt tháng lo làm rẫy, đồng thời làm thuê nuôi con ăn học. Em là con lớn trong nhà, được mọi người nhận xét là hiền lành, hiếu thảo và đặc biệt là vô cùng thương hai em.

Doan tâm sự: “Sau chuyện lần này chắc chắn sức khỏe em không còn được như trước nên cũng chưa biết tương lai làm gì để có thể báo hiếu cho cha mẹ. Hiện tại, em chỉ biết cố gắng tập vận động, chiến đấu bằng ý chí vì cha mẹ, vì hai đứa em, vì người cậu đã cho da mình. Gần tới đích rồi mình đâu thể bỏ cuộc được!”.

Cũng liên quan đến việc lóc da cứu con với tiêu đề: “Chuyện về người cha 2 lần lóc da cứu con” được báo PLO (kích vào đọc link) đăng tải cũng cho thấy cha mẹ luôn dành những điều tốt nhất đối với con, cho dù phải chịu đau đớn từng ngày.

Báo PLO dẫn lời TS-BS NGÔ ĐỨC HIỆP, Trưởng Khoa phỏng – tạo hình BV Chợ Rẫy về người cha trong câu chuyện trên là ông Quảng Trọng Công (67 tuổi, ngụ Bình Dương): “Dù đau đớn nhưng người cha rất lạc quan, hy vọng phần da ghép có thể giữ được mạng sống của con. Sau khi cho da lần hai, mặc dù đau đớn nhưng ông vẫn vui vẻ và nói: ‘Tôi khỏe rồi BS, tôi nghĩ con tôi khỏe thì tôi sẽ khỏe hơn nữa, tôi cảm ơn BS’. Điều đó làm chúng tôi rất cảm động. Nếu không có sự giúp sức của người thân dành cho bệnh nhân thì chúng tôi nghĩ có thể giờ này việc cứu chữa đã thất bại. Đây là một hành động hy sinh rất nhân văn cho người thân của mình mà không phải ai cũng làm được.