Phó đô đốc Tuần duyên Mỹ Michael McAlliste cảnh báo luật an toàn hàng hải mới của Trung Quốc đáng lo ngại, đặt nền tảng cho sự bất ổn, theo CNN.

“Việc yêu cầu các tàu thực hiện quyền qua lại vô hại phải báo cáo thông tin đi ngược lại thỏa thuận và thông lệ quốc tế. Nếu những gì tôi đọc được là chính xác thì việc này rất đáng lo ngại vì những quy định đó sẽ tạo nền tảng cho sự bất ổn và các cuộc xung đột tiềm tàng nếu được thực thi”, Phó đô đốc Michael McAllister, chỉ huy Lực lượng Tuần duyên Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, nói trong cuộc họp báo ngày 3/9 (giờ Việt Nam), khi đề cập đến quy định hàng hải mới của Trung Quốc.

Trước đó, Trung Quốc ra thông báo yêu cầu tàu nước ngoài khi đi vào những vùng biển mà nước này tự tuyên bố chủ quyền phải báo cáo thông tin chi tiết về tàu và hàng hóa.

Cục Hải sự Trung Quốc cho biết quy định khai báo áp dụng từ ngày 1/9 đối với tàu ngầm, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu vận chuyển “các chất độc hại” bao gồm dầu, hóa chất và khí hóa lỏng. Giới quan sát cho rằng quy định mới này có thể được Bắc Kinh áp dụng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Về phản ứng của Tuần Duyên Mỹ trước động thái trên, Phó đô đốc McAllister cho biết lực lượng này ở trong khu vực một phần là để hỗ trợ các đối tác then chốt, vốn đang ngày càng lo ngại về các hành động hung hăng của Trung Quốc và sợ rằng “không có đủ năng lực để đối phó với các hành vi đó”, theo VTC News.

Trước đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Supple cũng lên tiếng chỉ trích luật hàng hải mới của Trung Quốc và cho rằng quy định này đe dọa nghiêm trọng đến quyền tự do đi lại trên biển, theo South China Morning Post.

“Hoa Kỳ kiên quyết rằng bất kỳ văn bản luật hoặc quy định nào của quốc gia ven biển không được vi phạm các quyền hàng hải và hàng không mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế”, ông Supple nói.

Giới chuyên gia nhận định yêu cầu khai báo do Trung Quốc đưa ra sẽ không khác tuyên bố về vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà nước này áp đặt tại biển Hoa Đông năm 2013, vốn bị Mỹ và các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản phớt lờ.

Robert Ward, thành viên cấp cao về nghiên cứu an ninh Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, cho biết: “Đây dường như là một phần trong chiến lược giăng lưới pháp lý của Trung Quốc trên các khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền… nhằm mục đích ‘bình thường hóa’ những tuyên bố này”.

Ông Ward nói thêm rằng: “Việc thực thi sẽ khó khăn, nhưng đối với Bắc Kinh điều này có thể ít quan trọng hơn so với việc tích lũy từ từ những gì họ coi là cơ sở pháp lý”.

Bắc Kinh hồi tháng Hai cũng thông qua luật hải cảnh mới, cho phép lực lượng này nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài để “ngăn chặn mối đe dọa”.