Bất chấp những lời khẳng định công khai của các nhà lãnh đạo phương Tây về sự ủng hộ vững chắc của họ đối với Tổng thống Ukraine Zelensky trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thì cũng không thể che giấu được sự mệt mỏi  thay thế cho sự nhiệt tình đang chiếm ưu thế sau hậu trường sân khấu chính trị. 

Tuần trước, Tổng thống Pháp Macron đã ra lệnh chuyển giao xe chiến đấu bọc thép AMX-10 cho Ukraine , trong khi chính quyền Biden thông báo chuyển giao xe bọc thép chở quân Bradley. Vương quốc Anh đang xem xét việc chuyển giao 10 xe tăng Challenger 2, và kết quả là chính phủ Đức của Thủ tướng Scholz phải chịu áp lực và nhanh chóng nhượng bộ. Gần đây nhất, Ba Lan được cho là có kế hoạch chuyển một đại đội xe tăng Leopard như một phần thể hiện sự đoàn kết của liên minh chống lại Nga. Tuy nhiên, về mặt chính thức, các quyết định chuyển giao vũ khí hạng nặng này có lẽ sẽ chỉ được đưa ra tại cuộc họp ở căn cứ  Ramstein vào ngày 20/1. 

Nhưng tờ Die Welt của Đức gần đây đưa tin rằng, hầu hết các đồng minh, ngoại trừ Ba Lan, đang làm ít hơn những gì họ có thể để giúp đỡ lật ngược tình thế xung đột theo hướng có lợi cho Ukraine.

Về mặt công khai, các đồng minh phương Tây tiếp tục đề nghị hỗ trợ Tổng thống Zelenksy. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gần đây đã tuyên bố một nghịch lý rằng, “hỗ trợ quân sự cho Ukraine là con đường nhanh nhất cho hòa bình.”

Tác giả bài báo “Bí mật khao khát hiệp định đình chiến” là Christoph B. Schiltz, phóng viên của tờ Die Welt tại Brussels, cho biết tổng thống Zelensky đang ngày càng thất vọng với thái độ của các nhà lãnh đạo phương Tây, mặc dù ông luôn che giấu sự bực bội này để tránh chọc giận các nhà tài trợ. 

Phóng viên Schiltz đặt câu hỏi tại sao việc chuyển giao vũ khí của phương Tây lại chậm chạp như vậy khi viết như sau:

“Mỹ có 2.757 máy bay chiến đấu, nhưng cho đến nay họ vẫn chưa chuyển giao một chiếc nào. Do đó, trên thực tế, cộng đồng quốc tế đang cho phép Moscow phá hủy một cách có hệ thống toàn bộ nguồn cung cấp điện của Ukraine”. 

Nhà báo Schiltz cho biết, “bất kỳ ai hỏi thăm các chính trị gia và nhà ngoại giao từ NATO và EU tại Brussels cũng như các thủ đô châu  u khác, sẽ đi đến kết luận… rằng phương Tây hiện đang nỗ lực hướng tới một lệnh ngừng bắn” vào cuối năm nay, mặc dù không ai dám lớn tiếng nói ra điều này.”

Schiltz dẫn lời một nhà ngoại giao hàng đầu của EU cho biết: “Không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có người chiến thắng trong cuộc chiến này trong tương lai gần,” trong khi một sĩ quan quân đội NATO nói thêm: “Một lệnh ngừng bắn có lẽ sẽ tốt hơn là leo thang hơn nữa, mà nhiều khả năng có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.”

Thái độ sau hậu trường của giới chính trị châu  u khác hẳn với cách họ tuyên bố trên truyền thông và thái độ này được cho là phù hợp với dư luận hiện nay về cuộc xung đột Ukraine. Dấu hiệu mệt mỏi của người Đức là rõ ràng. 

Theo kênh Aljazeera, “Một cuộc khảo sát được tiến hành vào tháng 10 cho thấy 40% người Đức hoàn toàn hoặc một phần tin rằng NATO đã kích động Nga xâm lược Ukraine. Con số đó tăng lên đáng kinh ngạc là 59% ở các tỉnh từng là một phần của Đông Đức cộng sản. 

Ở Hy Lạp, 28% đổ lỗi cho NATO về cuộc xung đột và ở Bulgaria là 44%.

Khoảng 1/3 số người được hỏi chia sẻ quan điểm rằng Ukraine trong lịch sử là một phần của Nga và cũng gần như vậy [⅓ số người] chấp nhận thuyết âm mưu rằng Mỹ đã thành lập các phòng thí nghiệm bí mật trên đất Ukraine để phát triển vũ khí sinh học.

Điều quan trọng trong cuộc khảo sát này là xu hướng…  tỷ lệ người được hỏi có quan điểm thân thiện với Nga hoặc tương thích với Nga đã tăng lên”.

Ở Ý, sự ủng hộ của công chúng đối với việc gửi vũ khí cho Ukraine dao động quanh mức 41%, so với 57% ở Đức và 62% ở Pháp”, trong khi dân chúng đang hoài nghi về sự ủng hộ Ukraine tại các quốc gia như Slovakia, Bulgaria và tất nhiên là Hungary, quốc gia duy nhất của EU hiện nay không tham gia các biện pháp trừng phạt Nga.

Chiến tranh – và đặc biệt là tác động của nó đối với lạm phát năng lượng – cũng đã gây ra sự bất bình. Vào ngày 29/10, một cuộc biểu tình lớn đã nổ ra tại thủ đô Praha (Cộng hòa Séc) để phản đối các chính sách của chính phủ thân EU ủng hộ Ukraine. Vào ngày 5/11, hàng chục nghìn người đã tuần hành ở Rome, kêu gọi hòa bình và ngừng giao vũ khí cho Kyiv. Đức cũng đã chứng kiến ​​​​các cuộc biểu tình và đình công chống lại chiến tranh và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

Như vậy có thể thấy, xu hướng bất mãn ngày càng tăng đã xuất hiện trên khắp châu Âu sau gần một năm giao tranh khi lục địa này đã bị chao đảo dữ dội bởi lạm phát cao ngất ngưởng và sự chi tiêu hoang phí tiền mặt của người nộp thuế châu Âu vào hố đen Ukraine. 

Việc đầu tàu kinh tế châu Âu là nước Đức luôn tỏ ra tụt hậu cả về nhiệt huyết lẫn hành động trong việc ủng hộ Ukraine đã khiến chính trị gia cấp cao của Ba Lan là Marian Piłka bực tức khi ông này cho biết như sau: 

“Ý tưởng của Đức về việc kết thúc chiến tranh ở Ukraine là nguy hiểm đối với an ninh của Ba Lan, vì mục tiêu của họ không phải là đánh bại Nga mà là cứu nước này. Đó là lý do tại sao họ chỉ giả vờ viện trợ Ukraine”.

Trong khi đó, hôm 11/1, truyền thông Ukraine xác nhận Nga chuyển thêm 40 toa xe cùng trang thiết bị và 750 binh sĩ tới Belarus chỉ trong 1 ngày.  

Hôm nay, tin tức từ kênh NBC của Mỹ cho biết, Tổng thống Putin thay thế chỉ huy cuộc chiến của Nga ở Ukraine chỉ sau 3 tháng khi tướng Valery Gerasimov sẽ thay thế tướng Sergei Surovikin làm Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Nhóm Lực lượng Hỗn hợp. Trong khi ấy tướng Sergei Surovikin sẽ đảm nhận vị trí Tổng Tư lệnh Lực lượng Mặt đất.

Thực tế, tướng Surovikin cũng không bị gạt sang một bên hay bị giáng chức cũng như tướng Gerasimov không hẳn được thăng chức vào một công việc mới. Bởi tướng Surovikin vẫn sẽ tiếp tục điều hành lực lượng Nga ở Ukraine. Động thái này không thay đổi trách nhiệm chỉ huy nhưng nâng cao tầm quan trọng của toàn bộ hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine, bằng cách biến nó thành ưu tiên cao nhất lúc này.

Có thể bạn quan tâm: