Tàu hải cảnh Trung Quốc được cấp thêm quyền dùng vũ khí với các tàu nước ngoài mà họ cho là “vi phạm” và câu chuyện tranh luận xung quanh mặt lợi – hại của thủy điện là hai nội dung trong tổng hợp trưa nay 5/11.

Trung Quốc ra dự luật cho hải cảnh dùng vũ khí chống tàu nước ngoài

Bắc Kinh đã ra dự luật cho phép lực lượng hải cảnh dùng vũ khí chống tàu nước ngoài trong cái gọi là vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.

Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức quốc hội) Trung Quốc công bố dự thảo nói trên lần đầu tiên vào ngày 4/11, theo Đài NHK. Dự thảo khẳng định hải cảnh nước này có quyền dùng vũ lực xua đuổi các tàu nước ngoài xâm nhập cái gọi là lãnh hải Trung Quốc hoặc thẩm vấn các thuyền viên.

Dự thảo còn cho phép sử dụng vũ khí chống lại các tàu không tuân thủ những quy định về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Dự thảo được công bố trong bối cảnh tàu hải cảnh Trung Quốc gia tăng hiện diện ở Biển Đông, có những hành động phi pháp, quấy rối tàu của một số nước trong khu vực, trong đó có tàu của ngư dân Việt Nam.

Theo tờ Nikkei (Tin tức kinh tế Nhật Bản), dự luật mới đã tăng thêm sự hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển với quân đội Trung Quốc nhằm gây thêm sức ép ở Biển Đông, quần đảo Điếu ngư/Senkaku và Đài Loan.

Theo Thanh Niên

“Mọi thứ đều đúng, chỉ có trời mới sai vì cho mưa nhiều quá”

Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng khi tranh luận với Bộ trưởng Công thương và Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT về vấn đề thủy điện sáng 5/11.

Ông Hồng cho rằng: “Nếu phát biểu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thì mọi thứ đều đúng, chỉ có trời mới sai vì cho mưa nhiều quá. Bộ trưởng cũng có nói do chính quyền địa phương, do quy hoạch, khâu tổ chức thực hiện… thì e rằng chưa ổn”.

Ông Nguyễn Thanh Hồng phát biểu sáng 5/11 (ảnh quochoi.vn).

Theo ông Hồng, ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thì ở đó có lũ ống, lũ quét, sạt lở, ngập lụt. Ví von “tức nước vỡ bờ”, đại biểu Hồng khẳng định: “Chúng ta làm nhiều đập thủy điện, có đập thủy điện này không vỡ, thì lại vỡ ở các chỗ khác. Bởi nước dâng cao thì phải tìm đường thoát, như vậy sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Dương Trung Quốc thì cho rằng, nói về câu chuyện thủy điện thì cần bàn câu chuyện của 40 đến 50 năm sau chứ không phải câu chuyện của hôm nay. Nếu không nhìn trước được, thì chúng ta sẽ để lại di họa cho con cháu mai sau.

Theo Báo Giao thông

Bão Goni suy yếu, miền Trung mưa to

Lãnh đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, bão Goni sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên.

Hiện 4 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã chuẩn bị sơ tán 7.688 hộ với 28.285 người.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Goni, mưa lớn sẽ bắt đầu từ chiều nay kéo dài đến ngày mai ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, với tổng lượng mưa từ 250 đến 350 mm một đợt.

Tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên mưa 100 đến 200 mm.

Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị mưa 100 đến 200 mm, kéo dài đến ngày 7/11.

Theo VnExpress

6 người được giải cứu trong đám cháy

Khoảng 3h30 rạng sáng nay, người dân phát hiện khói lửa bùng lên dữ dội tại căn nhà số 20-22 đường số 6 (phường 8, quận 11, TP. HCM) nên hô hoán, thông báo. Thời điểm này, có nhiều người mắc kẹt bên trong căn nhà gào khóc, cầu cứu.

Lực lượng PCCC quận 11, quận 10 điều nhiều phương tiện đến hiện trường dập lửa, cứu người.

Với 14 xe chữa cháy và gần 100 cán bộ, lực lượng chức năng đã phá cửa, cứu được 6 người (có 2 trẻ em) mắc kẹt trong đám cháy ra ngoài an toàn.

Hiện trường vụ cháy (ảnh chụp màn hình báo Lao Động).

Sau gần 1h đám cháy được khống chế và dập tắt hoàn toàn.

Theo Vietnamnet