Tin sáng 14/11: Đức chọn Việt Nam là nơi đến để rời khỏi Trung Quốc?; Sốt xuất huyết bước vào cao điểm
Thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm Việt Nam là được cho là bước đi giúp doanh nghiệp nước này bước ra khỏi Trung Quốc, vốn là trung tâm sản xuất chính của họ ở châu Á.
Nội dung chính
Tìm nơi chốn mới cho doanh nghiệp Đức?
Trong chuyến thăm Hà Nội hôm Chủ nhật 13/11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thảo luận về năng lượng và thương mại với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Chính, ông Scholz cho biết Berlin muốn có quan hệ thương mại sâu sắc hơn với Việt Nam và sẽ hỗ trợ đất nước chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh hơn, bao gồm cả việc mở rộng hệ thống tàu điện ngầm ở Hà Nội.
Theo Reuters, chuyến thăm của ông Olaf Scholz tới Việt Nam ngay sau chuyến công du Trung Quốc đã nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi nhiều công ty Đức cân nhắc việc đa dạng hóa hoạt động sản xuất bằng cách mở rộng sự hiện diện ra ngoài Trung Quốc, vốn là trung tâm sản xuất chính của họ ở châu Á.
Tuy nhiên, có những nhận định cho rằng, dù chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc tác động xấu đến các doanh nghiệp, nhưng Berlin cũng không dễ dàng để các doanh nghiệp rời khỏi thị trường đông dân nhất thế giới này. Cụ thể, trước chuyến thăm Việt Nam, hôm 4/11, ông Olaf Scholz dẫn đầu một phái đoàn đa phần gồm các doanh nghiệp lớn sang Bắc Kinh gặp ông Tập Cận Bình, bất chấp phản đối trong nội bộ nước Đức. Tại Bắc Kinh, Thủ tướng Đức và Chủ tịch Trung Quốc đã thống nhất rằng tiếp tục hợp tác kinh tế, trong bối cảnh các đầu tư trực tiếp của Đức tại Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt mức kỷ lục mới.
Ông Nguyễn Phú Trọng sớm điện đàm với Tổng thống Biden
Bên lề hội nghị của Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thống Biden. Cuộc nói chuyện được truyền thông trong nước đưa tin là nhấn mạnh việc “phối hợp chuẩn bị tốt cho điện đàm sắp tới giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, và tiến tới thực hiện chuyến thăm cấp cao giữa hai bên vào thời điểm thích hợp và điều kiện cho phép”.
Thủ tướng Chính cũng chuyển lời mời ông Biden sang thăm Việt Nam từ TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. “Tổng thống Joe Biden vui vẻ nhận lời và hứa sẽ thu xếp chuyến thăm vào thời điểm thích hợp cho cả hai bên,” các bản tin cho biết.
Ngoại trưởng Việt Nam nói gì khi gặp Ngoại trưởng Nga và Ukraine?
Theo Tuổi Trẻ, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov rằng lập trường nhất quán của Việt Nam là tất cả các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc; mong các bên liên quan sớm chấm dứt xung đột và nối lại đối thoại.
Cũng tại Hội nghị này, trong cuộc gặp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, Ngoại trưởng Sơn mong muốn hai bên chấm dứt xung đột, nối lại đối thoại; nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia vào những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm viện trợ, cứu trợ nhân đạo cho người dân, cũng như đóng góp vào thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm biện pháp để sớm ổn định tình hình tại Ukraine.
Sốt xuất huyết bước vào cao điểm
Ngày 13/11, CDC Hà Nội cho biết, trong tuần từ ngày 4 đến 11/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.343 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng 2,3% so với tuần trước đó. Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Đống Đa (120 ca), Thanh Oai (98 ca), Phú Xuyên (95 ca), Hoàng Mai (94 ca).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 12.059 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 545/579 xã, phường, thị trấn.