Tin sáng 27/2: Người lao động đến các cơ quan, đơn vị phải quét mã QR Code; Nguy cơ tản dịch Covid-19 từ Campuchia về Việt Nam; Trung Quốc đang ‘làm điều gì đó rất độc ác’…
Người lao động đến các cơ quan, đơn vị phải quét mã QR Code; Đồng Tháp lo nguy cơ tản dịch Covid-19 từ Campuchia về Việt Nam; Chính quyền Trung Quốc đang ‘làm điều gì đó rất độc ác’…
Dưới đây là những tin nổi bật vào sáng thứ Bảy, ngày 27/2/2021:
Nội dung chính
Tin trong nước
Người lao động đến các cơ quan, đơn vị phải quét mã QR Code
Theo Bộ Y tế, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết tại cuộc họp ngày 26/2 rằng, Bộ Y tế đã chỉ đạo rằng người lao động đến cơ quan làm việc cần phải quét mã QR khi đến và về để thuận tiện cho việc truy vết khi cần thiết. Sở Y tế Hà Nội đã gửi văn bản đến tất cả các đơn vị y tế trên địa bàn yêu cầu phải thực hiện ngay. Thời gian cần hoàn xong khâu chuẩn bị cho việc này là ngày 5/2.
Sáng nay, Việt Nam không có thêm ca mắc Covid-19, chữa khỏi 1.839 bệnh nhân
Theo Bộ Y tế, bản tin sáng 27/2 cho biết không ghi nhận ca mắc COVID-19. Việt Nam vẫn đang có 2.426 bệnh nhân. Đến thời điểm này đã có 1.839 bệnh nhân được chữa khỏi.
10 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng là Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh.
Lo nguy cơ tản dịch Covid-19 từ Campuchia về Việt Nam
Theo Tuổi Trẻ, vào chiều 26/2, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp đã họp khẩn về trường hợp ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn. Bệnh nhân 2424 đã vượt biên trái phép từ Campuchia về Việt Nam vào tối 23/2. Nữ bệnh nhân quê Cần Thơ. Trước đó, người này đã xuất cảnh chui sang Campuchia, làm việc tại một sòng bạc ở thủ đô Phnom Penh.
Theo ông Đoàn Tấn Bửu, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đây là trường hợp có dấu hiệu tản dịch Covid-19 từ Campuchia, nhập cảnh trái phép vào tỉnh Đồng Tháp, gây nguy cơ rất cao về lây nhiễm cộng đồng.
Tai nạn liên hoàn trên Đèo Bảo Lộc
Vnexpress đưa tin, vụ va chạm liên hoàn giữa 5 ô tô đã xảy ra trên đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng vào khoảng 18h ngày 26/2. Khi đó, một xe container đổ đèo từ Đà Lạt về TP.HCM đã tông mạnh ô tô chở khách 16 chỗ đi ngược chiều; khiến xe khách quay đầu và va chạm với xe bán tải và xe 7 chỗ. Xe container tiếp tục lao về phía trước, va chạm với một ô tô khác và một xe máy đang lên dốc.
Vụ tai nạn khiến nhiều người trên xe khách bị thương; và xảy ra ùn tắc cả 2 chiều trên đèo Bảo Lộc.
Hà Nội chưa quyết định cho học sinh đi học từ đầu tháng 3
Zing đưa tin, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng chiều 26/2 đã giao các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng cho học sinh trở lại trường học.
Tuy nhiên, quyết định có mở cửa trường học vào đầu tháng 3 hay không còn tùy vào chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, cũng như ý kiến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.
Tin thế giới
Chính quyền Trung Quốc đang ‘làm điều gì đó rất độc ác’
Trong chương trình “Crossroads” của The Epoch Times hôm 26/2, ông Gordon Chang, tác giả cuốn sách “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc”, đã bày tỏ nhận định của ông về tham vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Chang đề cập đến việc Trung Quốc thu thập hồ sơ DNA của người nước ngoài để có thể chuẩn bị cho các cuộc tấn công bằng vũ khí sinh học; bằng “các loại virus chỉ tấn công một số nhóm dân tộc hoặc chủng tộc nhất định”.
Ông nói thêm: “Trong khi đó, Trung Quốc cũng cấm chuyển hồ sơ DNA của người Trung Quốc ra khỏi đất nước. Điều đó cho thấy rằng họ đang làm điều gì đó rất độc ác.”
Cô gái từng theo IS không được trở về Anh đòi quyền công dân
Euro News đưa tin, Tòa án tối cao của Vương quốc Anh hôm 26/2 đã ra phán quyết cô gái Shamima Begum không thể trở lại Vương quốc Anh để đòi lấy lại quyền công dân của mình.
Khi 15 tuổi, Begum từng chạy trốn khỏi Vương quốc Anh cùng với hai người bạn cùng trường để gia nhập nhóm khủng bố IS. Chính phủ Anh thu hồi quyền công dân của cô vào năm 2019. Sau đó cô đề nghị được trở lại Anh Quốc để tham gia các thủ tục pháp lý nhằm đòi lại quyền công dân.
Ấn Độ tìm thấy 81 người tị nạn Rohingya trên biển
Al Jazeera đưa tin: Lực lượng bảo vệ bờ biển của Ấn Độ đã tìm thấy 81 người sống sót và 8 người chết trên một chiếc thuyền chật cứng những người tị nạn Rohingya. Một quan chức ngoại giao Ấn Độ cho biết những người sống sót sẽ không được phép vào lãnh thổ Ấn Độ.
Chiếc thuyền được phát hiện khi đang trôi dạt ở Biển Andaman. Con thuyền đã khởi hành vào ngày 11/2 từ Cox’s Bazar ở Bangladesh, nơi có các trại tị nạn dành cho người Rohingya. Hơn một triệu người Rohingya đã chạy trốn khỏi Myanmar do một cuộc đàn áp của quân đội nước này vào năm 2017.