Hàng loạt báo Thái Lan đưa tin trọng tài Việt Nam “bẻ còi” trong giải V-League. Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi lật đổ Putin

Dưới đây là các tin nổi bật:

Báo Thái Lan ‘kinh ngạc’ vì trọng tài Việt Nam

Theo Dân Trí, nhiều tờ báo Thái Lan đã châm biếm tình huống trọng tài Việt Nam dùng màn hình ở sân vận động Lạch Tray, thay vì công nghệ VAR, từ đó ra không công nhận một bàn thắng.

Vụ việc xảy ra trong trận đấu giữa CLB Hải Phòng và CLB Nam Định, thuộc vòng 2 V-League. Vào phút 68, cầu thủ Triệu Việt Hưng đã đưa bóng vào lưới của CLB Nam Định.

Trợ lý trọng tài không phất cờ việt vị. Do đó, trọng tài chính đã công nhận bàn thắng cho đội chủ nhà. Tuy nhiên, các cầu thủ và CĐV Nam Định phản đối dữ dội; nói rằng Triệu Việt Hưng đã chạm tay vào bóng trước khi ghi bàn.

Báo Thái Lan đưa tin về tình hống gây tranh cãi trong trận đấu giữa Hải Phòng và Nam Định tại giải V-League (ảnh chụp màn hình Dân Trí).
Báo Thái Lan đưa tin về tình hống gây tranh cãi trong trận đấu giữa Hải Phòng và Nam Định tại giải V-League (ảnh chụp màn hình Dân Trí).

Ban tổ chức đã cho phát lại tình huống trên màn hình lớn. Sau khi xem video, trọng tài quyết định không công nhận bàn thắng của Hải Phòng.

Tờ MGR Online của Thái Lan bình luận: “Thật kinh ngạc! Không cần VAR, trọng tài sử dụng màn hình lớn ở sân vận động để thay đổi phán quyết”.

“Các trận đấu ở V-League không được hỗ trợ VAR. Tuy nhiên, sau khi các cầu thủ Nam Định chỉ tay lên màn hình khổng lồ ở sân vận động, trọng tài đã sử dụng VAR theo cách vô cùng hy hữu.”

Tờ Ball Thai đưa tin: “Các cầu thủ Nam Định phản đối và trọng tài đã phải sử dụng màn hình lớn ở sân vận động để xem cầu thủ có chạm tay hay không. Sau đó, trọng tài đã ‘bẻ còi’ và không công nhận bàn thắng”.

Báo TNN của Thái Lan viết: “VAR không được sử dụng ở V-League nhưng trọng tài đã sử dụng màn hình lớn ở sân vận động để thay thế. Tình huống này đã trở thành điểm nóng ở giải V-League giữa tuần qua”.

Việt Nam sẽ đưa 900 người Việt rời Ukraine về nước

Báo Lao Động đưa tin, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các bộ ngành khác để tổ chức đưa người Việt ở Ukraina về nước qua đường hàng không. Trước mắt, dự kiến sẽ đưa khoảng 900 người Việt Nam về nước.

Trước đó, truyền thông đưa tin, một chuyến bay Vietnam Airlines sẽ rời Việt Nam vào 5/3 để tới Ba Lan đón người Việt di tản từ Ukraine. Đến sáng 6/3, khoảng 270 người sẽ được đưa về Việt Nam.

Dự kiến sẽ có 1 chuyến bay từ Romania vào ngày 7/3 và 1 chuyến từ Ba Lan ngày 8/3.

Tổng thống Nga Putin đang nghĩ gì?

Theo Nikkei, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã làm dấy lên nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.

“Việc hiểu rõ trạng thái tinh thần của Putin đã trở thành vấn đề ngày càng cấp thiết đối với các cơ quan tình báo phương Tây”, theo Nikkei.

Tờ báo Nhật cho rằng đây là “một nhiệm vụ khó khăn”, vì ông Putin vốn là cựu điệp viên KGB và nổi tiếng là khó đoán biết.

“”Putin tỏ ra bị cô lập và phụ thuộc vào một nhóm nhỏ cố vấn, những người đã không nói cho ông ấy biết sự thật về việc chinh phục Ukraine khó khăn và tốn kém như thế nào”, theo Washington Post. Trong tình huống “bị dồn vào chân tường”, có thể ông Putin sẽ đưa ra những quyết định cực đoan.

Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi lật đổ Putin

Trong chương trình “Fox & Friends” hôm 4/3, Thượng nghị sĩ Lindsay Graham đã kêu gọi người dân Nga “vùng lên” và hạ bệ Tổng thống Vladimir Putin, từ đó chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Ông Graham viết trên Twitter: “Cách duy nhất để kết thúc điều này là ai đó ở Nga lật đổ ông ta xuống”. Nghị sĩ Mỹ nói ông Putin đang “phá hủy nước Nga.”

Trước đó, doanh nhân Nga, Alex Konanykhin đã treo thưởng 1 triệu đô cho ai bắt được ông Putin, “dù còn sống hay đã chết”.

Nga cấm Facebook hoàn toàn

Cơ quan quản lý phương tiện truyền thông của Nga hôm 4/3 cho biết họ sẽ chặn hoàn toàn quyền truy cập vào Facebook; đồng thời hạn chế một phần truy cập vào Twitter.

Nga lấy lý do là các mạng xã hội này vi phạm luật pháp tại Nga. Nhưng giới quan sát cho rằng diễn biến này là động thái trả đũa Meta, tập đoàn sở hữu Facebook và Instagram. Trước đó, hôm 1/3 Meta đã hạ cấp toàn cầu đối với các nội dung từ các trang Facebook và Instagram do nhà nước Nga kiểm soát.

Ông Nick Clegg, phó giám đốc các vấn đề quốc tế của tập đoàn Meta, bình luận: “Chẳng bao lâu nữa hàng triệu người Nga bình thường sẽ thấy mình bị cắt đứt thông tin đáng tin cậy, bị tước đi cách kết nối hàng ngày với gia đình và bạn bè và bị bịt miệng không được phát ngôn”.