Câu chuyện cuối tuần liên quan đến hải quân Trung Quốc được nhiều tờ báo nhắc tới lại không thuộc hành vi trên Biển Đông, mà xảy ra tại vùng biển Hoa Đông. Chuyện xảy ra khi tàu Trung Quốc đuổi theo tàu cá Nhật Bản.

Vào 16h hôm 8/5, bốn tàu hải cảnh Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.  Nghe ngóng khoảng 50 phút, hai tàu hải cảnh bỗng chuyển hướng để đuổi theo một tàu cá Nhật Bản tại khu vực cách Uotsuri, đảo lớn nhất trong Senkaku/Điếu Ngư, khoảng 12 km về phía tây nam, hãng tin Jiji Press cho biết.

Thấy tàu cá bị bắt nạt, lập tức Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) đã điều động tàu tuần tra đến hiện trường. Sau hai giờ vờn nhau trên biển, các tàu Trung Quốc buộc phải rời khỏi khu vực.

Tàu chiến Nhật tại khu vực quần đảo Điếu Ngư (Senkaku), Biển Hoa Đông (ảnh: FB Kyoto).

Sự việc xảy ra khá bất ngờ với phía Nhật Bản. Một quan chức của JCG thừa nhận: Chúng tôi khó tin điều đó xảy đến. Tuy nhiên, phản ứng của JCG cho thấy họ luôn trong tư thế sẵn sàng đối đầu và không nể nang Trung Quốc.

Phía Trung Quốc chưa lên tiếng về vụ việc này. Phát ngôn đáng chú ý gần đây nhất liên quan đến tranh chấp lãnh hải được phía Trung Quốc đưa ra là “khoe” đã “đuổi tàu khu trục Mỹ ra khỏi Biển Đông”. Tuy nhiên, tin này bị phía Mỹ và giới thạo tin nói là “tin giả”.

USS Bunker Hill di chuyển trên Thái Bình Dương hôm 24/3 (ảnh: Hải quân Hoa Kỳ).

Trong tuần qua, báo chí trong vào ngoài nước tập trung phân tích vào những động thái Mỹ nắn gân Trung Quốc ở Biển Đông. Với tiêu đề “Biển Đông: ‘Mỹ gửi tín hiệu mạnh làm Trung Quốc khó chịu”, BBC tiếng Việt dẫn lời nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, TS. Trần Công Trục: “Tôi nghĩ đây là một tín hiệu khá mạnh, so với trước đây Mỹ cũng có những hoạt động ấy, nhưng bây giờ tình hình hiện nay, đấy cũng thể hiện môt quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc sẵn sàng ngăn cản các hoạt động phi pháp của Trung Quốc”.

“Tín hiệu mạnh” gần nhất từ phía Mỹ phải kể đến việc cuối tuần qua, Hoa Kỳ điều tàu chiến USS Montgomery và tàu tiếp vận USNS Cesar Chavez thuộc Hạm đội Thái Bình Dương tới hoạt động gần tàu thăm dò West Capella của Malaysia. Đây là thể hiện thái độ ủng hộ của Nhà Trắng với tàu West Capella, trong bối cảnh tàu Malaysia bị các tàu hải quân, hải giám và tàu cá Trung Quốc đe dọa.

Thông tin này được nhiều tờ báo lớn đăng và để ở vị trí nổi bật. Tờ VnExpress truyền tải thông tin trên trong bài báo có dòng title “Mỹ cảnh báo Trung Quốc dừng ‘bắt nạt’ ở Biển Đông”. Trong đó, tác giả nhắc đến lời Đô đốc John Aquilino, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, khẳng định Mỹ “cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ tự do trên biển và thượng tôn pháp luật. Trung Quốc phải chấm dứt kiểu bắt nạt các nước Đông Nam Á trong hoạt động khai thác dầu mỏ, khí đốt và đánh bắt hải sản. Sinh kế của hàng triệu người dân trong khu vực này phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên đó”, Đô đốc John nói.

Trên tờ Thanh Niên ngày 11/5 có bài phân tích “Thế trận quân sự Mỹ thách thức Trung Quốc ở Biển Đông và xung quanh”. Bài báo cho biết, ngày 9/5, Hạm đội 7 – Thái Bình Dương của hải quân Mỹ thông báo vừa điều động 3 tàu ngầm để tập trận cùng một số tàu chiến nổi, máy bay của nước này từ ngày 2 – 8/5 ở khu vực biển Philippines.

Tác giả bài viết cho rằng, điều động tàu ngầm tập trận ở vùng biển Philippines có thể xem là bước ngoặt mới của Mỹ trong việc gửi thông điệp đến Trung Quốc. Bài báo dẫn lời của TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) để phân tích sâu thêm: Việc Washington triển khai tàu ngầm có ý nghĩa quan trọng hơn tàu chiến nổi, bởi Bắc Kinh đang tìm cách kiểm soát khu vực trong lòng biển ở Biển Đông. Cụ thể, những hoạt động quân sự và “núp bóng” nghiên cứu khoa học gần đây của Trung Quốc dường như hé lộ việc nước này đang đẩy mạnh việc lập bản đồ nhiệt dưới nước, dòng chảy ở khu vực Biển Đông. Hơn thế nữa, Washington triển khai tàu ngầm đến biển Philippines lúc này khá đúng thời điểm, khi Bắc Kinh lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để tiến hành các hành vi gây mất an ninh trên Biển Đông”.

Bình luận chung về các động thái trên biển gần đây của Mỹ, cũng trong sáng nay, tờ TrithucVN chạy dòng tiêu đề ấn tượng: “Tỉnh mộng trước Trung Quốc, Mỹ tái khởi động vũ trang Đông Á”. Bài báo này cho biết, trong khi Mỹ, Trung khẩu chiến cật lực về COVID-19, một cuộc đối đầu nguy hiểm hơn đằng sau cánh gà đang tiến đến giai đoạn kịch liệt: Mỹ chuẩn bị thực thi một chiến dịch mới, tăng cường vũ trang tên lửa cho Đông Á nhằm đánh bật vị thế thống trị về hỏa lực của Trung Quốc tại khu vực này.

Tác giả bài viết phân tích, Lầu Năm Góc muốn đẩy lùi vị thế của Trung Quốc trong cái mà các nhà chiến lược gọi là “cuộc chiến phạm vi”. Giải phóng quân Trung Quốc (PLA) đã tích lũy được một lực lượng tên lửa khổng lồ, gần như vượt qua phạm vi của Mỹ và Đồng Minh, theo các tư lệnh cấp cao và cố vấn chiến lược của Bộ Quốc phòng Mỹ. Các tướng lĩnh, chuyên gia này từ lâu đã cảnh báo về việc Trung Quốc chiếm lợi thế rõ ràng so với Mỹ về hỏa lực lửa trong khu vực Tây Thái Bình Dương, tuy tới nay mới thực sự được Bộ Quốc phòng hành động.

Chắc hẳn với những gì Mỹ đang làm hướng tới Trung Quốc, những diễn biến trên Biển Đông sẽ còn rất nhiều bất ngờ phía trước.

Xem thêm

. Nghị sĩ Mỹ muốn đổi tên đường trước ĐSQ Trung Quốc thành Lý Văn Lượng

Trung Quốc – Biển Đông: Thả xác thuyền viên và những chuyện dị thường