Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP. HCM) cho biết, chỉ trong 3 tuần gần Tết Nguyên đán, bệnh viện đã tiếp nhận 5 trường hợp sử dụng pháo tự chế và nổ ngay trên bàn tay, gây tổn thương nặng nề.

Thông tin trên báo Dân Trí, một trường hợp bệnh nhân là nam (15 tuổi, quê ở Bình Thuận), khi nhập viện, tay của bệnh nhân đang cầm pháo bị nát, ngón 2 mất hoàn toàn, ngón 3 dập nát và 3 ngón còn lại cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Gia đình kể lại, do hiếu kỳ và không biết bé học được cách tự chế pháo ở đâu nên đã mày mò tự làm pháo. Thời điểm chơi, bé chưa kịp vứt pháo ra xa thì đã phát nổ ngay trên tay. Khi gia đình phát hiện và đưa bệnh nhi đi cấp cứu thì em đã lãnh hậu quả nặng nề.

Một trường hợp tiếp nữa là bé trai (14 tuổi, ở Lâm Đồng), nhập viện trong tình trạng bị thương phần mềm, bỏng ở một phần đùi chân trái và một phần mặt vì bị pháo tự chế nổ.

Hiểm họa khi chơi pháo nổ tự chế

Các bác sĩ cảnh báo được báo VnExpress đăng tải, trong pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh, người đốt thường phải tiếp xúc rất gần nên khi phát nổ dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay, cổ, ngực…. Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp.

Bỏng vùng mặt, cổ dễ để lại di chứng thẩm mỹ về sau, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân. Bỏng ở hai tay và bàn tay sẽ bị sẹo co kéo.

Bác sĩ Ngô Tuấn Hưng, Khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia khuyến cáo, vết thương do tai nạn khi tự chế pháo nổ rất nguy hiểm bởi sức công phá lớn. Vì thế, gia đình, nhà trường cần giáo dục, phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ.