Người xa quê, lâu ngày bỗng nhớ. Có khi nhớ da diết thật. Nhưng bảo về thì ngại. Người xưa đổi thay, cảnh cũng đổi thay! Về quê làm gì? Câu hỏi ấy không chỉ thực tế mà còn gợi lên nhiều nghĩ suy.

Còn muốn thăm quê?

Quê hương thường được nhắc nhiều trong thơ ca, tình cảm luôn đằm thắm, tươi sáng. Hãy khoan, dường như có gì đó văn mẫu, mô phạm, hình thức.

Những người xa quê náu thân nơi thị thành. Không ai được chọn số mệnh mình. Sống thị thành lâu rồi thành quen. Có khi nhớ quê da diết thật. Cũng có khi chẳng nhớ. Cơm áo gạo tiền nơi thị thành, đành rằng chẳng phải gánh gồng, thì cũng phải bỏ tâm trí mà làm việc. Đầu nhanh bạc hơn bạn bè ở quê. Đôi khi nhớ quê thì nhớ thế thôi, bảo về cũng ngại. Quê cũ đâu còn người thân, đâu còn đường xưa lối cũ, bạn bè? Người mẹ tần tảo nuôi mình lớn khôn, nay đổi thành cáu bẳn, chẳng thể ngồi cùng nhau. Bố ngồi xem Internet, một chương trình vô nghĩa. Bạn bè lâu ngày thành xa lạ. Về quê, quê chỉ đẹp trong một ký ức xa xôi; đối diện thực tế cũng không còn long lanh như thơ ca.

canh_dong_lua_que_huong
Cánh đồng quê hương vẫn hai mùa lúa, nhưng đô thị hoá đã lấy đi rất nhiều “bờ xôi ruộng mật”.
(Ảnh: Thành Chung)

Gánh nặng vật chất và tinh thần

Nếu bạn không có tiền, về quê chỉ để bày tỏ lòng nhớ nhung, có lẽ bạn quá lãng mạn. Việc đưa một gia đình ra khỏi nhà mình và đến một nơi khác, dù là nhà cha mẹ bạn, cũng sẽ động chạm đến những chuyện nghiêm túc. Chi phí đi lại, rồi ăn ở, đều là tiền mặt. Bạn về quê, ăn thịt gà quê, gạo quê, rau quê của cha mẹ, rồi đi, thế cũng khó coi lắm. Ngay cả khi bạn có tiền, quà cáp không thành vấn đề, thì chuyến đi cũng mệt thân, cũng hao tâm mới có thể trọn vẹn.

gian_muop_ben_bo_ao
Giàn mướp trồng bên bờ ao. Nhiều bà mẹ từng nuôi con bằng đồng tiền chắt chiu dành dụm từ con cá mớ rau. (Ảnh: Thành Chung)

Thơ ca là thơ ca

“Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Một câu hát quen thuộc. Thực ra cũng không phải gì đó chân lý. Thực tế, những người xa quê đều đã lớn thành người ở nơi đất khách. Chỉ là, thành người, họ phải có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dạy con cái. Phụng dưỡng cha mẹ, trước tiên là chu cấp tiền bạc, rồi hỏi thăm chăm sóc đời sống tinh thần. Có thể chuyển tiền cho cha mẹ, và gọi điện hỏi thăm. Nuôi dạy con cái, phải dạy con có lòng hiếu thảo, có lòng biết ơn. Đối đãi với quê hương, với cha mẹ, anh em ở quê chính là dạy con bài học từ bản thân mình làm gương. Trách nhiệm là trách nhiệm, không phải vui thích thì làm. Không thích cũng phải làm!

Luong_dau-trong_vuon
Một luống đậu trong vườn. (Ảnh: Thành Chung)

Tôi yêu quê hương theo cách của tôi

Tôi quyết định dùng Facebook, tìm những người bán hàng ở quê, chọn vài món đồ ăn uống ship đến cho bố mẹ. Tôi gửi vịt quay, ông không thích, nói vịt quay khô. Gửi vịt thịt để nấu măng, bà bảo không ngon bằng vịt nhà nuôi. Tôi ship thịt ba chỉ, thịt nạc vai, bà bảo để bà tự mua, có người đưa qua ngõ hàng ngày. Loanh quanh cũng được vài món bánh trái, thấy bà ưng ý. Bà ăn, cũng chia sẻ với các bà trong xóm, cảm thấy vui vẻ. Vậy là tôi có thể chăm bà, đem lại cho bà một chút niềm vui – theo cách của tôi.

Thỉnh thoảng tôi mới về. Tôi yêu quê hương theo cách riêng: giữ lại trong sâu thẳm tâm hồn một tuổi thơ của riêng tôi – đường làng, dòng sông, cánh đồng.. Cả những ngày đi học về đói, ăn khoai sống cho đỡ đói. Bạn bè, trường lớp, người con gái ấy; cha mẹ của ngày xưa, anh em của ngày xưa – tất cả là một phần của con người tôi. Tôi cũng biết, họ đều đã thay đổi, họ có quan tâm riêng của họ. Làng quê cũng đã thay đổi. Long lanh chỉ là ở trong ký ức. Tôi ít về quê hơn. Tôi thật.