Xuất hiện virus gây tử vong tới 88%, lây từ động vật sang người tại Tây Phi
Virus có tên Marburg xuất hiện lần đầu tiên tại Tây Phi khiến WHO cảnh báo khả năng lây lan mạnh của virus có tỉ lệ gây tử vong lên đến 88% này.
- Báo cáo của Anh: Vắc xin tạo ra ‘khác biệt hạn chế’ về tải lượng virus biến thể Delta
- Bác sĩ Israel: Hiệu quả vắc xin giảm, nhiều người tiêm chủng vẫn mắc biến thể Delta
Theo hãng tin AFP, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 9/8 thông báo một loại virus gây chết người khác được ghi nhận lần đầu tiên ở Tây Phi, có liên quan tới Ebola và lây từ động vật sang người.
Virus Marburg có trên cơ thể loài dơi châu Phi, với tỷ lệ tử vong ở người lên đến 88%, được tìm thấy trong mẫu bệnh phẩm của một người tử vong ngày 2/8 tại tỉnh Gueckedou ở Guinea, gần biên giới với Liberia và Bờ Biển Ngà.
“Virus Marburg có khả năng lây lan rộng và xa, có nghĩa là chúng ta cần phải ngăn chặn nó đúng hướng”, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, bác sĩ Matshidiso Moeti cho biết.
Thông báo trên được đưa ra chỉ 2 tháng sau khi WHO tuyên bố Guinea thoát khỏi đợt bùng phát dịch Ebola thứ 2. Đợt dịch này bắt đầu từ năm ngoái và khiến 12 người tử vong.
WHO cho rằng mối đe dọa của virus Marburg ở mức cao đối với Guinea và khu vực, nhưng ở mức thấp trên toàn cầu.
“Chúng tôi đang phối hợp với cơ quan y tế địa phương để thực hiện ứng phó nhanh dựa trên kinh nghiệm và chuyên môn của Guinea trong đối phó Ebola, bệnh có tính lây truyền tương tự”, bà Moeti nói.
Vật chủ tự nhiên của virus Marburg là loài dơi Rousettus sống trong các hang động và hầm mỏ. Khi con người nhiễm bệnh, sẽ lây cho người khác qua tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch cơ thể khác, hoặc lây lan qua bề mặt và đồ vật dính virus.
Virus này được ghi nhận lần đầu vào năm 1967 và chủ yếu được báo cáo ở phía nam và đông châu Phi, đây là lần đầu phát hiện ở Tây Phi. Tỷ lệ tử vong đối với người nhiễm Marburg là từ 24-88%, tùy thuộc vào chủng virus và việc kiểm soát bệnh. Bệnh thường khởi phát đột ngột, sốt cao, đau đầu, đau cơ và xuất huyết từ các lỗ cơ thể.
Theo WHO, tuy không có vắc xin hoặc phương pháp điều trị cụ thể nhưng nếu người bệnh bù nước bằng đường uống hoặc đường tĩnh mạch, kết hợp điều trị thích hợp sẽ giúp cải thiện khả năng sống sót.