Liên quan vụ 100 container điều xuất khẩu sang Ý có nguy cơ bị lừa đảo, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) thông báo có 36 container bị mất quyền kiểm soát.

Báo Tuổi Trẻ đăng tải, dựa vào hợp đồng, 36 container điều này trị giá khoảng 7,025 triệu USD (tương đương 162 tỷ đồng).

Hôm qua (9/3), phía Vinacas cũng đã làm việc với 5 ngân hàng Việt Nam, các doanh nghiệp, hãng tàu liên quan nhưng hầu hết đều cho biết việc tìm bản chứng từ gốc lô hàng vượt quá khả năng. Ngoài ra, các đơn vị này cũng nhận được phản hồi thờ ơ, không rõ ràng từ phía ngân hàng tại Ý khiến vụ việc càng khó khăn.

Trước đó, tối ngày 8/3, Vinacas đã có công văn hoả tốc đến Đại sứ quán và thương vụ Việt Nam tại Ý trước nguy cơ một số doanh nghiệp điều bị lừa.

Công văn nêu rõ, các doanh nghiệp điều Việt Nam đã ký hợp đồng với một số khách hàng ở Ý thông qua công ty môi giới Kim Hạnh Việt. Tổng 100 container trị giá gần 1.000 tỷ đồng. Hàng đang trên đường vận chuyển đến các cảng như cảng Genoa, cảng La Spezia… một số hàng đã đến cảng. 

Tuy nhiên, tin từ Pháp Luật TP. HCM đăng tải, điều đáng lo ngại là đến nay dù một số container hàng đã cập cảng đến nhưng doanh nghiệp xuất khẩu không nhận được tiền thanh toán.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, những hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng (NH) Việt Nam gửi tới các NH của người mua tại Thổ Nhĩ Kỳ đều có sự thay đổi về số SWIFT (mã số định danh NH).

Ảnh chụp màn hình báo Pháp Luật TP. HCM.

Sau khi NH của người mua nhận được bộ chứng từ, họ thông báo người mua không phải khách hàng của họ và trả lại bộ chứng từ. Các NH này không ghi rõ trả chứng từ theo hình thức nào, không cung cấp số vận đơn cho NH Việt Nam.

Trong khi đó, với hồ sơ gửi đến ngân hàng tại Ý, họ thông báo đã nhận được bộ chứng từ nhưng là bản copy, không phải bản gốc.

Hiện các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam lo lắng vì không biết bộ chứng từ gốc ở đâu. Trong khi đó, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể gặp hãng vận chuyển để nhận hàng. 

Phía hiệp hội trân trọng đề nghị Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Ý làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, và hãng tàu tại Ý để đề nghị tạm thời giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ cập cảng, và chỉ cho phép giải phóng hàng khi nhận được xác nhận từ người bán.