Biển Đông: Bắc Kinh điều 10 máy bay ném bom tập trận sau động thái leo thang của Mỹ
Ít nhất 10 máy bay ném bom của Trung Quốc đã tham gia tập trận ở Biển Đông không lâu sau khi Mỹ tăng cường hiện diện ở vùng biển này.
- Trung Quốc bắt nhà ngoại giao Mỹ xét nghiệm COVID-19 từ hậu môn
- Tin sáng 26/2: Tìm người bị hại trong dự án ma của Trương Thanh Phong; Chùa Phúc Khánh tổ chức cầu an trực tuyến
- Tàu chiến Mỹ qua eo biển Đài Loan lần thứ 2, Trung Quốc chỉ trích ‘phá hoại hòa bình khu vực’
Tờ SCMP dẫn nguồn kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV ngày 23/2 cho biết có ít nhất 10 máy bay ném bom thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ của Quân đội Trung Quốc đã tham gia cuộc diễn tập ở Biển Đông sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Động thái trên của Trung Quốc diễn ra không lâu sau khi hải quân Mỹ điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt và Nimitz tập trận chung ở Biển Đông hôm 9/2.
Các chuyên gia quân sự cho biết các oanh tạc cơ của Trung Quốc bao gồm dòng H-6J – máy bay ném bom tiên tiến nhất của Hải quân nước này – có khả năng mang 6 tên lửa hành trình diệt hạm; và dòng H-6G, máy bay ném bom dành cho hải quân thuộc thế hệ cũ hơn, có thể mang 4 tên lửa, theo CCTV.
Cuộc tập trận nhằm thể hiện khả năng của Trung Quốc trong việc chống lại các hoạt động gần đây của Mỹ, bao gồm các bài tập tấn công đường dài và tăng cường sự phối hợp giữa phi công mới và phi công kỳ cựu.
Trong một báo cáo tiếp theo ngày 24/2, CCTV cho biết một lữ đoàn không quân hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ đã tiến hành các cuộc diễn tập chiến thuật đối đầu trên không để nâng cao khả năng thực chiến.
Ông Yue Gang, đại tá Trung Quốc đã nghỉ hưu, cho rằng các cuộc tập trận của quân đội nước này nhằm răn đe chống lại Mỹ khi hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ là Theodore Roosevelt và Nimitz đã diễn tập ở Biển Đông trong tháng này.
Ngày 24/2, một ngày sau khi CCTV báo cáo cuộc tập trận của Trung Quốc, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan, nhằm thể hiện “cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, theo thông cáo từ Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ. Đồng thời, hải quân nước này khẳng định “sẽ tiếp tục các hoạt động bay và di chuyển tàu ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép”.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông Bộ của Trung Quốc hôm 25/2 đã lên tiếng chỉ trích Mỹ và cho rằng đây là “hành vi phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực”, theo Reuters.