Mục điểm tin cập nhật trên các trang báo sáng 22/7 xin gửi đến quý vị những nội dung chính sau

Tin trong nước:

  • Nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bằng đường bộ, bắt 3 đối tượng tiếp tay
  • Hai thanh niên lạ mặt bất ngờ đột nhập Bưu cục Cầu Voi
  • Tỉnh miền Trung đầu tiên xuất hiện bạch hầu, các tỉnh Tây Nguyên đã có 108 ca nhiễm
  • Việt Nam – Trung Quốc trao đổi thẳng thắn về tình hình Biển Đông

Tin thế giới:

  • Chính quyền Tổng thống Trump yêu cầu Trung Quốc chấm dứt đàn áp Pháp Luân Công
  • Diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc có nguy cơ ra tòa án quốc tế
  • Mỹ – Trung ngày càng tồi tệ khi liên tục ăn miếng trả miếng
  • Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ muốn đến thăm Trung Quốc trong năm 2020
  • Mỹ, Nhật, Ấn, Úc tập trận gần Biển Đông tuần này

Sau đây là những nội dung chi tiết

Tin trong nước

(Thanh Niên) – Nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bằng đường bộ, bắt 3 đối tượng tiếp tay. “Qua lời khai ban đầu, nhóm người Trung Quốc nói nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường mòn lối mở đường bộ. Trong 21 người, 17 người không có giấy tờ”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc công an tỉnh Quảng Nam cho biết.

Điều tra mở rộng, Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp Công an TP. Đà Nẵng xác minh thêm một số thông tin do nhóm này khai nhận. Kết quả, Công an TP. Đà Nẵng phát hiện và đưa 24 người Trung Quốc lưu trú tại các quận trên địa bàn về cách ly tập trung.

Lập chuyên án điều tra, Công an TP.Đà Nẵng đã bắt được 3 nghi phạm, trong đó có 2 người Việt Nam và 1 người Trung Quốc, liên quan đến việc đưa nhóm người Trung Quốc trên nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

(Thanh Niên) – Hai thanh niên lạ mặt bất ngờ đột nhập Bưu cục Cầu Voi. Tối 21/7, ông Phạm Văn Khéo – Trưởng ấp 5, xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa (Long An) xác nhận có 2 thanh niên lạ mặt đột nhập Bưu cục Cầu Voi (nằm ven QL1, thuộc ấp 5, xã Nhị Thành) vào chiều cùng ngày nhưng không rõ lý do. Cho đến khi lực lượng Công an xã Nhị Thành có mặt thì cả 2 mới chịu ra khỏi Bưu cục Cầu Voi, rồi bỏ đi.

Một số người bán đồ ăn trước cửa Bưu cục Cầu Voi cho biết: Khoảng 16 giờ cùng ngày, 2 thanh niên ghé quán ngồi một lúc rồi đứng dậy đi thẳng tới trước cửa Bưu cục Cầu Voi. Không rõ chìa khóa ở đâu mà những người này có, họ tự mở cửa rồi đi từ trước đến sau, ra khu vực nhà vệ sinh, lên tầng 1 khá lâu.

Đứng ngoài quan sát thì thấy 2 thanh niên đem máy móc thiết bị ra ghi hình nhiều vị trí. Có lúc họ đứng quan sát rất lâu ngay bồn rửa tay. “Thấy lạ, tụi tôi điện báo cho Trưởng ấp biết tới xem họ là ai, có phải công an không…”, một phụ nữ buôn bán gần Bưu cục nói.

Từ sau xảy ra án mạng liên quan đến Hồ Duy Hải, Bưu cục Cầu Voi bị bỏ hoang suốt 12 năm qua.

(VnExpress) – Tỉnh miền Trung đầu tiên xuất hiện bạch hầu, các tỉnh Tây Nguyên đã có 108 ca nhiễm. Chiều 21/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị ghi nhận ca bạch hầu đầu tiên là bé gái 9 tuổi, học lớp 3, trú xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, khởi bệnh ngày 10/7 với các triệu chứng sốt, tiêu chảy, ho, được người nhà đưa đến phòng khám tư. Hiện chưa tìm ra nguồn lây truyền bệnh. 

26 người tiếp xúc với bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm sàng lọc bạch hầu, theo dõi sức khỏe. Những người này cũng được hướng dẫn cách nhận biết dấu hiệu bạch hầu, cách phòng chống. Nhân viên y tế phun thuốc clo 0,5% tại nhà bệnh nhân và các hộ xung quanh để khử khuẩn.

Ngoài Quảng Trị, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã có 108 trường hợp dương tính với bạch hầu, trong đó có ba trường hợp tử vong. Tỉnh Đắk Lắk có 18 ca dương tính, Gia Lai có 25 ca, Kon Tum 32 ca và tại Đắk Nông có 33 ca.

(Người Lao Động) – Việt Nam – Trung Quốc trao đổi thẳng thắn về tình hình Biển Đông. Tại Hội nghị trực tuyến Phiên họp lần thứ 12 hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc vào hôm 21/7, ngoài việc hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế – thương mại, đầu tư phát triển bền vững. Cả hai cũng đã trao đổi thẳng thắn về tình hình trên biển thời gian qua. 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã nêu quan ngại trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông gần đây; đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. 

Hai bên nhất trí tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982; thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông sớm đạt kết quả thực chất.

Cập nhật tối 21/7: Xuất hiện dịch bệnh lạ ở nơi có hàng ngàn người Việt sinh sống; Từ 5/8, CSGT được xử phạt dựa vào thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội

Tin thế giới

(NTD Việt Nam) – Chính quyền Tổng thống Trump yêu cầu Trung Quốc chấm dứt đàn áp Pháp Luân Công. Hôm 20/7, Nhà ngoại giao hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một bản thông cáo báo chí lên án cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với Pháp Luân Công

Trong bản tuyên bố nhân kỷ niêm 21 năm cuộc đàn áp, Ngoại trưởng Pompeo cho biết: “Năm ngoái, tôi đã chào đón Tiến sĩ Trương Ngọc Hoa (Yuhua Zhang), một trong số nhiều học viên Pháp Luân Công sống sót khỏi chiến dịch đàn áp của ĐCSTQ, tới tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng về việc Nâng cao Tự do Tín ngưỡng. Sau khi sống sót khỏi những cuộc tra tấn trong một trại lao động và một nhà tù ở Trung Quốc, bà bắt đầu vận động cho việc giải cứu người chồng đang bị giam cầm của mình, ông Mã Chấn Vũ (Ma Zhen Yu), người đã phải chịu đựng nhiều tháng tra tấn vì ông không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Đại Pháp”.

Ông Pompeo cũng yêu cầu ĐCSTQ trả tự do cho các học viên Pháp Luân Công đang bị cầm tù và cung cấp thông tin về nơi ở của các học viên đang bị mất tích.Bên cạnh các tuyên bố của ông Pompeo, khoảng 30 nhà lập pháp và quan chức Hoa Kỳ khác cũng đưa ra tuyên bố ủng hộ các học viên Pháp Luân Công trong ngày kỷ niệm cuộc đàn áp của ĐCSTQ. Hàng trăm nhà lập pháp trên khắp thế giới cũng lên án chiến dịch đàn áp của ĐCSTQ.

(RFI) – Diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc có nguy cơ ra tòa án quốc tế. Sau khi một báo cáo về việc Trung Quốc cưỡng bức triệt sản được công bố, nhật báo thiên tả đã gặp một nữ giáo viên Duy Ngô Nhĩ lưu vong ở châu Âu. Nhân chứng này đã kể lại những điều tai nghe mắt thấy trong trại cải tạo ở Tân Cương : bắt giam hàng loạt, tra tấn, hãm hiếp, lao động khổ sai…chứng tỏ chính sách đồng hóa của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã ngả sang hướng diệt chủng.

Trung Quốc lo sợ trước bài xã luận ngày 6/7 trên Washington Post mang tựa đề « Những gì diễn ra tại Tân Cương là diệt chủng », và kêu gọi tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Và lần đầu tiên, hai tập thể Duy Ngô Nhĩ lưu vong kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế vì tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại. Cho dù có xóa đi những tài liệu trên mạng, tội ác của Bắc Kinh đã bị tiết lộ. Nhà nghiên cứu lấy làm tiếc vì các phản ứng yếu ớt của phương Tây, đặc biệt là nước Đức của ông, với lịch sử đã trải qua.

Trong khi nhiều cường quốc giữ im lặng, chỉ có chính quyền Donald Trump tỏ ra quyết đoán, lên án Bắc Kinh « vi phạm trầm trọng nhân quyền », là « vết nhơ của thế kỷ ». Lần đầu tiên một ủy viên Bộ Chính trị là Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), bí thư Tân Cương, bị Hoa Kỳ trừng phạt cùng với một số quan chức khác hôm 09/07. Sau khi việc triệt sản bị tiết lộ, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tố cáo « đảng Cộng Sản Trung Quốc hoàn toàn coi thường tính chất thiêng liêng của sinh mạng và nhân phẩm con người ». Tổng thống Trump hôm 17/06 đã ký ban hành luật nhân quyền Duy Ngô Nhĩ được lưỡng đảng Quốc hội thông qua hồi tháng Năm.

(Người Lao động) – Mỹ – Trung ngày càng tồi tệ khi liên tục ăn miếng trả miếng. Đài CNBC hôm 20/7 cho biết, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cáo buộc Mỹ đang tăng tốc phá vỡ quan hệ với Trung Quốc trong khi Bắc Kinh tìm cách duy trì.

Các quan chức Mỹ từ lâu phàn nàn hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc đã gây thiệt hại hàng tỉ USD và hàng ngàn việc làm, đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ tất cả cáo buộc. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Donald Trump còn đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch Covid-19.

Tuần trước, ông chủ Nhà Trắng ký lệnh trừng phạt Bắc Kinh vì áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ sẽ trừng phạt các cá nhân và thực thể của Mỹ để trả đũa.

Mới đây, Retuers dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét khả năng cấm nhập cảnh toàn bộ gần 92 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và gia đình của những người này.

(RFI/AFP) – Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ muốn đến thăm Trung Quốc trong năm 2020. Ý định này của ông Mark Esper được đưa ra trong một buổi hội thảo được Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (IISS) tổ chức trên mạng ngày 21/7. Lãnh đạo Quốc Phòng Mỹ cho biết muốn « cải thiện mối quan hệ hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên có những lợi ích chung và thiết lập những hệ thống liên lạc cần thiết cho các cuộc khủng hoảng ». 

Tuyên bố này của ông Esper được đưa ra trong bối cảnh Washington cáo buộc Bắc Kinh biến Biển Đông thành một « đế chế hàng hải » của riêng mình.

(RFI) – Mỹ, Nhật, Ấn, Úc tập trận gần Biển Đông tuần này. Hoa Kỳ và các đồng minh trong nhóm Bộ Tứ ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương (Quad) tổ chức đồng thời hai cuộc tập trận hải quân tại hai khu vực kế cận Biển Đông trong tuần này. Các cuộc tập trận của Bộ Tứ diễn ra đúng vào lúc truyền thông Trung Quốc hôm 20/7, cho biết quân đội nước này vừa tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, mà Việt Nam khẳng định chủ quyền.

Tham gia vào cuộc tập trận này có tàu sân bay USS Ronald Reagan. Hai chiếc USS Ronald Reagan và USS Nimitz là hai hàng không mẫu hạm vừa có cuộc tập trận đầu tháng này tại Biển Đông, đúng vào lúc Trung Quốc tập trận lần đầu tiên trong tháng 7 ở quần đảo Hoàng Sa.  USS Ronald Reagan và USS Nimitz cũng tiến hành tuần tra « bảo vệ tự do hàng hải » ở Biển Đông ngày 17/7.