Rạng sáng 3/11, vị trí tâm bão số 10 (Goni) cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Đông Nam. Vùng gần tâm bão có sức gió mạnh nhất cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão.

Trong 24 giờ tới, bão số 10 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, vận tốc 10km/h. 

Đến 4 giờ ngày 04/11, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 290km về phía Nam Đông Nam. Vùng gần tâm bão có sức gió mạnh nhất cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Chuyên gia Biến đổi Khí hậu và Phòng chống Thiên tai – Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy nhận định: Bão Goni khi đi vào Biển Đông đã giảm cấp rất nhiều. Cấp gió hiện tại khoảng 55km/h. Nó sẽ mạnh lên một chút trong ngày mai khoảng 70- 75km/h. 

Khi vào gần bờ khu vực ven biển Phú Yên và Bình Định chiều 5/11 khả năng cao bão sẽ giảm thành ATNĐ yếu với gió khoảng 65km/h. Mưa lớn ở Nam Trung Bộ từ tối ngày 4/11 đến ngày 6/11. 

Bão số 10 khi đi vào Biển Đông đã giảm cấp rất nhiều
Ảnh dẫn từ Facebook Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy.

Vùng nguy hiểm do bão số 10 trên Biển Đông

Trong 24 giờ tới gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên. Toàn bộ tàu thuyền chịu tác động của gió giật mạnh. 

Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam; vận tốc 10km/h.

Đến 4 giờ ngày 5/11, vị trí tâm bão cách Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 160km về phía Đông. Vùng gần tâm bão có sức gió mạnh nhất cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, trong 48-72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam; vận tốc 10km/h, bão đổ bộ đất liền các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa; và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, rồi suy yếu thành một vùng áp thấp. 

Đến 4 giờ ngày 6/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông. Vùng gần tâm áp thấp có sức gió giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Trong tháng 11 vẫn còn nhiều vùng áp thấp

Trong tháng 11 vẫn còn nhiều vùng áp thấp ở ngoài khơi phía Đông của Philippines (các vị trí khoanh tròn ở hình vệ tinh Himawari số 2). Các vùng áp thấp này cũng có khả năng đi vào biển Đông và gây mưa lớn từng đợt. Không loại trừ khả năng có thể mạnh thành bão. 

La-Nina mới đi được một nửa giai đoạn của nó (từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021, thậm chí có thể kéo dài đến tháng 2/2021) nên các hồ chứa ở Miền Trung chưa vội tích nước. Trời mưa cực đoan một đợt là đầy hồ.

Do tác động của La-Nina, năm nay các tỉnh miền Bắc sẽ đón nhiều đợt rét đậm và rét hại, “mưa phùn gió bấc”, băng tuyết sẽ xuất hiện ở miền núi phía Bắc nên bà con cần có kế hoạch chống rét cho gia súc, gia cầm. Các gia đình nuôi thủy sản phía Bắc cũng nên căn thời gian xuất bán thủy sản (bắt tỉa khi cá đủ lớn).