Cô gái 27 tuổi chảy mủ, sưng phù môi sau khi bỏ 2 triệu đồng làm đẹp ăn Tết
Ngày 21/1, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu (TP. HCM) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân T.T.T (27 tuổi, ở Đồng Nai) trong tình trạng môi trên sưng to, chảy mủ, môi dưới đóng mài, bong tróc gây đau nhức kèm sốt, được xác định bị tai biến nặng sau khi xăm môi làm đẹp để ăn Tết. Các bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân nhập viện điều trị.
- Bệnh nhân chảy máu não tăng 10-20% do trời rét đậm
- Ăn củ sắn cao sản, bé 3 tuổi thiệt mạng trên đường đến bệnh viện
- Phẫu thuật thành công cho bé trai 3 tuổi nuốt 18 viên nam châm trong máy massage mắt
Báo Thanh Niên dẫn lời bệnh nhân T., 2 tuần trước, chị có đến một thẩm mỹ viện tại huyện Định Quán (Đồng Nai) và được tư vấn xăm môi với giá 2 triệu đồng.
Sau xăm môi một tuần, môi dưới của chị bỗng nhiên nổi mụn, hôm sau môi trên cũng xuất hiện nhiều nốt mụn mủ sưng to, gây đau nhức kèm sốt. Chị T. đã liên hệ lại thẩm mỹ viện thì được hướng dẫn đến một phòng khám đa khoa gần đó để khám.
Tại phòng khám đa khoa, chị T. được chẩn đoán nhiễm trùng sau xăm môi và được kê thuốc kháng sinh nhưng tình trạng không đỡ mà môi càng sưng to hơn kèm chảy mủ. Quá hoảng sợ, chị T. vội đến Bệnh viện Da liễu khám.
Thông tin về trường hợp của chị T., báo VietNamNet dẫn lời Th.S, bác sĩ Nguyễn Duy Quân, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TP. HCM, tai biến của chị T. có thể do dị ứng với mực xăm.
Mực xăm màu đỏ thường dùng có tỷ lệ dị ứng cao. Ngoài ra, bệnh nhân này còn nhiễm trùng nặng nên môi càng sưng, chảy nhiều dịch mủ. Tình trạng đó có thể là hậu quả của kỹ thuật xăm môi không đảm bảo điều kiện vô trùng, chăm sóc và xử trí sau đó không thích hợp.
Còn theo bác sĩ Võ Thị Đoan Phượng, Trưởng Khoa lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu (bác sĩ điều trị cho chị T.) cho biết trên báo Thanh Niên, bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm, nhưng sẽ mất nhiều thời gian và bệnh nhân phải chịu những đau đớn nhất định.
Bên cạnh đó, tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng sau xăm có thể kéo dài hàng năm trời và có thể bị tái phát lại nhiều lần do những chất xăm môi đã vào trong môi nên không thể lấy ra được.