Kim Myong, cựu quan chức cấp cao đã đào tẩu khỏi Triều Tiên nghi ngờ tuyên bố của Bình Nhưỡng rằng quốc gia này không có ca nhiễm virus Covid-19. Ông cảnh báo số người tử vong ở nước này vì virus corona có thể lên tới 3 triệu.

Trong một bài viết cho Ủy ban Nhân quyền có trụ sở tại Mỹ được đăng hôm 9/4, ông Myong cho biết số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tại Triều Tiên có thể “vượt quá sức tưởng tượng”.

Ông nói thêm: “Hệ thống y tế của Triều Tiên rất mong manh và không ổn định. Người dân Triều Tiên từ lâu đã bị suy dinh dưỡng mãn tính, sức khỏe kém và khả năng miễn dịch kém. Do đó, sẽ không có gì là phóng đại khi tuyên bố Triều Tiên dễ bị tổn thương hơn vì Covid-19 so với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới”.

Ông Myong còn cảnh báo, số người chết vì Covid-19 tại Triều Tiên có thể lên tới 3 triệu người giống nạn đói kéo dài từ năm 1994 đến năm 1998. Ông đã sống ở Bình Nhưỡng vào khoảng thời gian này.

Theo ước tính của cộng đồng quốc tế, có khoảng 3 triệu người chết trong nạn đói này do khủng hoảng kinh tế, chính sách quản lý sai lầm của chính phủ, hạn hán và lũ lụt. Và cho tới hiện tại, mất an ninh lương thực vẫn là một vấn đề lớn ở Triều Tiên. Năm 2019, Liên Hợp Quốc ước tính rằng có hơn 10 triệu người Bắc Triều Tiên rơi vào tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng.

Cựu quan chức phỏng đoán chính quyền Bình Nhưỡng không tiết lộ sự thật về dịch Covid-19 vì còn phải bảo vệ mối quan hệ với Trung Quốc. Triều Tiên đang bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt quốc tế, do đó phải phụ thuộc rất lớn vào Tập Cận Bình và Trung Quốc.

Ông so sánh việc Kim che giấu sự thật về dịch bùng phát – giống như cách cha mình, ông Kim Jong-il đã che giấu tình hình nghiêm trọng của nạn đói vào những năm 90. Kim Jong-un lừa dối dân chúng vì sợ rằng người dân sẽ chống lại ông ta nếu họ biết con số nhiễm bệnh và tử vong thực sự.

“Đối với Kim Jong-un, việc để hàng trăm, hàng nghìn hoặc thậm chí hàng chục nghìn người Triều Tiên chết vì dịch bệnh như những nô lệ không có giá trị gì cũng chẳng sao”, ông Myong cho biết.

Theo ông, một lý do nữa khiến chính quyền Kim Jong-un giấu dịch là vì ông ta muốn tiếp tục khiêu khích Mỹ bằng các vụ thử tên lửa và không phải chịu trách nhiệm về các hành động quân sự.

Các nhà quan sát tin rằng hệ thống y tế của đất nước đã không được chuẩn bị cho đại dịch này và nếu dịch nổ ra, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Triều Tiên tuyên bố họ không có trường hợp nào được xác nhận mắc virus viêm phổi Vũ Hán, nhưng cho biết họ vẫn tiếp tục xét nghiệm và đã có hơn 500 người bị cách ly.

Trước đó, có nguồn tin tiết lộ bệnh nhân đầu tiên nhiễm Covid-19 ở Triều Tiên đã bị xử bắn và một báo cáo vào tháng Ba cho biết gần 200 binh sĩ Triều Tiên đã tử vong do COVID-19 trong tháng 1 và tháng 2. Tuy nhiên, các thông tin trên vẫn chưa được xác minh.

Theo Mirror