Hát karaoke gây tiếng ồn lớn có thể bị phạt 320 triệu đồng
Theo luật sư, pháp luật đã quy định về chế tài đối với hành vi gây ra ô nhiễm tiếng ồn cho người khác, mức xử phạt cao nhất lên đến 320 triệu đồng.
- Thêm một nữ nhân viên karaoke dương tính Covid-19 ở Hải Dương
- Tiếp xúc với bệnh nhân 1.851, hai nữ nhân viên karaoke dương tính Covid-19
- Quảng Ninh cách ly tại chỗ nhóm khách hát karaoke ‘tay vịn’
Cận Tết, mọi người ở nhà để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, một số người thường xuyên hát karaoke gây ra tiếng ồn lớn khiến hàng xóm bức xúc.
Chị Như Ngọc ở quận Tân Phú, TP. HCM cho báo Tuổi Trẻ biết: “Chưa đến tết nhưng ở các khu dân cư lân cận chung cư đã vang tiếng hát hò inh ỏi trong những bữa nhậu cuối năm.
Tôi đã đóng kín cửa kính nhưng vẫn không ngăn nổi tiếng ồn. Không chỉ cuối tuần, ngày thường họ cũng hát. Có lúc hai nhóm cùng ăn nhậu và hát hò om sòm như ‘chửi lộn’ vào tai nhau. Vài ngày nữa cận tết, chưa biết còn phải chịu đựng cỡ nào!”
Một bạn đọc ở TP. Thủ Đức đang nuôi hai con nhỏ, nhiều lúc phải bồng con qua nhà chị họ cách nhà hơn 800m để “tạm lánh” tiếng hát hò đinh tai nhức óc của hàng xóm là những thanh niên ở trọ. Họ hát vào ban đêm, hát rất to với cái loa công suất lớn, cửa kính nhà chị rung lên bần bật.
“Đến 23h, hai con nhỏ không ngủ được cứ đua nhau khóc. Mong chính quyền quyết liệt xử lý chuyện này cho chúng tôi bớt khổ!”, chị nói.
Bời vậy, nhiều người thắc mắc là pháp luật có chế tài gì đối với những người hát karaoke gây ô nhiễm tiếng ồn cho người khác hay không. Trao đổi với báo Tổ Quốc về vấn đề này, luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. HCM cho biết như sau:
Thứ nhất, căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, nếu hát karaoke làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 – 600.000 đồng).
Thứ hai, trong trường hợp hát karaoke ngoài khoảng thời gian nêu trên nhưng gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2dBA trở lên sẽ bị xử phạt theo khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 Điều 17 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, như sau:
– Tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 10 dBA, bị phạt tiền từ từ 1 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm).
– Tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 30 dBA, bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm sẽ bị phạt từ 40 triệu đồng đến 200 triệu đồng). Đồng thời, nếu vi phạm trong trường hợp này sẽ bị đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 3 – 6 tháng.
– Tiếng ồn từ 30 dBA trở lên, bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 160 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 320 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm). Đồng thời, đình chỉ hoạt động của cơ sở vi phạm quy định này từ 6 – 12 tháng.