Hồng Kông: Tập nhìn “thành trì của thế lực thù địch”
Vì sao Bắc Kinh sử dụng nắm đấm thép với Hồng Kông trong lúc này? Từ Paris L’Express nhìn nhận đối diện với Hồng Kông, áp đặt và cưỡng ép là sự lựa chọn của Chủ tịch Tập Cận Bình.
- Twitter: Tiết lộ Trung Quốc dùng tài khoản giả để thao túng chính trị
- Trung Quốc ‘cực lực phản đối’ báo cáo mới của Anh về vấn đề Hồng Kông
- Cập nhật sáng 14/6: Phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc đâm, cướp phá tàu cá Việt Nam
Đem luật an ninh quốc gia cưỡng ép lên Hồng Kông trong giai đoạn cả thế giới gồng mình chống dịch, ông Tập đã chấp nhận rủi ro có thể làm các nhà đầu tư ngoại quốc rời bỏ đặc khu và có thể bị Hoa Kỳ trừng phạt.
Ông Tập tin rằng hình ảnh lãnh đạo kiên cường dưới huyết kỳ sẽ trấn áp được phong trào biểu tình đại quy mô ở Hồng Kông và răn đe bè lũ mưu phản.
Nhà nghiên cứu chính trị độc lập Trần Đạo Ngân đánh giá: “Tập Cận Bình hoàn toàn tính toán được các nguy cơ. Trong con mắt của ông ta Hồng Kông đã trở thành thành trì của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, là mối đe dọa ngày càng lớn. Ông ta muốn lấy Hồng Kông để làm điểm mà không ảnh hưởng đến vị thế quốc tế của Hồng Kông”.
Chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-tít Hồng Kông nhận xét: “Trung Quốc có lợi khi Hồng Kông vẫn là trung tâm kinh tế tài chính hàng đầu… như thế cần phải duy trì an toàn về pháp luật cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nếu không họ sẽ rời đi”
Các công ty Trung Quốc vốn là sân sau của bè đảng cầm quyền. Các thế lực này thông qua Hồng Kông có thể gọi vốn trên thị trường chứng khoán và giao dịch bằng đồng đôla. Còn thị trường chứng khoán Thẩm Quyến lẫn Thượng Hải không có được hệ thống tư pháp độc lập, hơn nữa lượng vốn ra vào vẫn bị các đối thủ chính trị nhòm ngó.
Độc lập tự do hay thân Bắc Kinh?
Các lãnh đạo sinh viên hoặc các phong trào đòi Dân chủ tự do ở Hồng Kông luôn khẳng định rằng họ không có mục tiêu ly khai khỏi Trung Quốc để tìm kiếm một nền độc lập cho Hồng Kông. Tuy nhiên trong khoảng một thập niên qua tinh thần độc lập ngày một lan tỏa tại đặc khu này.
Trong một chia sẻ gần đây với Đài BBC, Tiến sĩ Jeffrey Ngo, một trong những thủ lĩnh của phong trào Demosisto khẳng định: “cá nhân tôi không chủ trương độc lập, Demosisto cũng không vận động cho điều đó. Nhưng trên thực tế trong vài năm trở lại đây cảm hứng độc lập đã lan tỏa khá mạnh ở Hồng Kông… Bởi ngày càng có nhiều người nhận ra những bất cập trong cơ chế một quốc gia hai chế độ, nhận ra rằng Bắc Kinh không tôn trọng nền dân chủ của Hồng Kông và những cam kết quốc tế khi nhận chuyển giao từ Anh… Điều thôi thúc người ta muốn thoát khỏi Trung Quốc đó là vì họ không thấy một tương lai dân chủ tự do nào khi Hồng Kông hòa nhập vào Trung Quốc”
Theo đánh giá của ông Ngo trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán khi có quá nhiều chỉ trích đối với Trung Quốc trong vấn đề minh bạch về nguồn gốc và tình trạng dịch bệnh người ta càng nhận thấy vai trò tiền đồn của Hồng Kông chống lại mối đe dọa từ ĐCSTQ… Nhưng việc người ta ghét ĐCSTQ không đồng nghĩa là có lợi cho Hồng Kông, chỉ khi người ta đứng lên vì nhân quyền và tự do dân chủ thì điều đó mới thực sự có lợi cho Hồng Kông!”