Mua máy xét nghiệm Covid-19: Đâu mới là giá đúng?
Sau nghi vấn Giám đốc CDC Hà Nội thông đồng với 6 người khác nâng giá máy xét nghiệm nCoV, các tỉnh thành trong cả nước đồng loạt rà soát việc mua máy xét nghiệm. Kết quả giá máy các địa phương chênh lệch bất ngờ, từ 1,4 đến gần chục tỷ đồng.
- Cập nhật trưa 29/4: Trung Quốc bị tố ‘bóp nghẹt’ dòng Mekong, đánh cắp thông tin nghiên cứu virus Corona của Mỹ
- Thêm 1 ca tái dương tính Covid-19, ngày thứ 13 không có lây nhiễm trong cộng đồng
- Mua máy xét nghiệm nCoV: Ninh Bình chi gần 8 tỷ, Quảng Trị chỉ 1,5 tỷ đồng
Báo Lao động ngày 29/4 dẫn lời Cơ quan điều tra về tham nhũng kinh tế cho biết xác minh ban đầu đã làm rõ được hành vi sai phạm của ông Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm trong việc chỉ định thầu và mua máy xét nghiệm Realtime PCR. Theo đó, các bị can này có hành vi móc ngoặc nâng giá khoảng 2,3 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng khi bán cho CDC Hà Nội.
Vụ việc trên trở thành vấn đề nóng được dư luận quan tâm, Bộ Y tế đã gửi 2 công văn đến Sở Y tế các địa phương và nhiều bệnh viện, đề nghị các địa phương trong cả nước đồng loạt cho thanh kiểm tra công tác mua máy xét nghiệm.
Khởi đầu từ việc CDC Hà Nội đã chi đến 7 tỷ đồng mua hệ thống xét nghiệm. Giám đốc CDC Nguyễn Nhật Cảm đã bị khởi tố, tạm giam giữ để điều tra hành vi cấu kết 6 người khác, thông đồng gian lận, nâng khống giá trị gói chỉ định thầu mua sắm.
Tại Ninh Bình, thiết bị xét nghiệm Real-time PCR được lắp đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh với giá hợp đồng cả hệ thống tới gần 7,9 tỷ. Trong đó 5,9 tỷ đồng cho hai máy xét nghiệm gồm thiết bị xét nghiệm Real-time PCR và máy tách chiết ADN tự động. Các thiết bị phụ trợ khác trị giá gần 2 tỷ đồng.
Là địa phương đã đầu tư nhiều thiết bị y tế chống dịch, Quảng Ninh ký hợp đồng mua máy xét nghiệm giá trị lên tới 8,4 tỷ đồng vào ngày 1/3. Ngay sau vụ việc CDC Hà Nội, ngày 23/3 Sở Y tế Quảng Ninh đã ký phụ lục hợp đồng giảm giá thiết bị xuống còn 7 tỷ đồng. Chưa dừng lại, ngày 23/4 lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này lại cho biết họ tiếp tục giảm giá và mua thiết bị với giá 5,2 tỷ đồng. Không những thế, điều hiếm gặp trong mua bán nữa là ngày 21/4, Đơn vị trúng thầu đã chuyển hoàn trả 4,2 tỷ cho Sở Y tế sau khi tỉnh này chuyển tạm ứng cho bên bán vào ngày 19/3 trước đó.
Giống với Quảng Ninh, Sở Y tế Thái Bình là tỉnh thứ 2 giảm giá thiết bị sau lắp đặt và sử dụng. Sở này cho biết tỉnh đã chỉ định thầu mua thiết bị hơn 6 tỷ đồng, lắp đặt từ 31/3 đưa vào vận hành từ đầu tháng 4. Đến 15/4 Sở Y tế Thái Bình đàm phán lại, giảm giá xuống 5,8 tỷ đồng, ngoài ra còn được tặng kèm 1.300 bộ xét nghiệm, quyền lợi bảo hành từ 1 năm tăng lên 5 năm. Theo Giám đốc Sở Y tế Thái Bình , mua loại Cobas 4800 này là máy móc hiện đại nhất, có thể xét nghiệm nhiều loại bệnh chứ không chỉ riêng Covid-19.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho hay việc mua máy Sở thực hiện đúng các trình tự, thủ tục khi dùng 7,2 tỷ đồng mua hệ thống xét nghiệm trong số 7,56 tỷ được UBND tỉnh phân bổ dự toán chi ngân sách năm 2020. Từ cuối tháng 3, Trung tâm xét nghiệm tỉnh này đã cử 05 cán bộ chủ chốt đến Viện Pasteur Nha Trang để đào tạo cách vận hành máy, đến nay đã thực hiện hơn 2.000 xét nghiệm nCoV.
Không giống nhiều tỉnh bỏ chi phí cao ngất ngưởng, Giám đốc Sở Y tế Hải phòng phủ nhận việc mua thiết bị gần 10 tỷ, mà công bố Văn bản mượn hệ thống thiết bị Realtime PCR đắt đỏ quý giá này. Đáng nói Văn bản đi mượn ký ngày 30/3 trong khi Trung tế Y tế dự phòng thuộc Sở này đã lắp đặt và chạy thử máy từ 21/3, trước đó gần 10 ngày.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, có nhiều đơn vị đã mượn thiết bị sử dụng trong mùa dịch này. Ngoài TP Hải Phòng, tỉnh Lào Cai, Bắc Giang, Bình Thuận, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Phổi trung ương,… đang mượn từ một hoặc vài thiết bị trong hệ thống xét nghiệm Realtime PCR. Thậm chí có nơi cho một địa phương mượn đến 6 máy xét nghiệm.
Mới đây nhất 28/4, Sở Y tế Thanh Hóa có báo cáo Bộ y tế về công tác rà soát lại việc mua sắm trang thiết bị phòng chống nCoV. Tỉnh này mua hệ thống xét nghiệm gồm máy Realtime PCR 96 giếng và máy tách chiết DNA/RNA tự động với tổng giá trị hơn 3,7 tỷ đồng. Đơn vị cung cấp lắp đặt thiết bị cho CDC là Công ty Cổ phần Thiết bị vật tư y tế Thanh Hóa. Trước đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã ửc cán bộ đi tập huấn chuyên môn vận hành hệ thống, từ đầu tháng 4 đến nay đã lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho hơn 3.300 mẫu và đều cho kết quả âm tính.
Trong khi nhiều tỉnh bỏ chi phí gần chục tỷ đồng, Sở Y tế tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị mua hệ thống máy xét nghiệm với mức giá chưa bằng 1/3 so với CDC Hà Nội. Sở Y tế Quảng Bình chọn mua máy của Đức sau khi đưa ra hội đồng của Sở Tài chính để thẩm định, mức giá tỉnh phê duyệt mua máy 3 tỷ đồng gồm giá máy xét nghiệm hơn 1,6 tỷ, còn lại là hệ thống tách chiết và một số phụ kiện khác. Tỉnh Quảng Trị mua máy xét nghiệm Real-time PCR với giá chỉ 1,5 tỷ đồng và máy tách chiết mẫu tự động 32 lỗ với giá 650 triệu đồng.
Tương tự, CDC Gia Lai tiếp nhận 1 máy xét nghiệm PCR do tập đoàn Quốc Cường Gia Lai tặng ngày 10/4. Đây là máy xuất xứ từ Singapore, ước tính có giá chưa tới 2 tỷ đồng, vận chuyển về Gia Lai trong 10 ngày. Kể từ đó, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Gia Lai dùng máy để xét nghiệm ngay khi được Bộ Y Tế cho phép, thay vì phải gửi mẫu bệnh phẩm đến Đắk Lắk hay TP.HCM.
CDC Đà Nẵng mua máy Real-time PCR Aria Mx của hãng Agilent, Mỹ được sản xuất tại nhà máy ở Malaysia. Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh, hệ thống xét nghiệm virus corona tự động gồm có thiết bị chính là máy Real-time PCR, máy chia mẫu tự động và máy tách chiết ADN/ARN tự động. Địa phương chỉ mua máy Realtime PCR, chưa đủ mua cả một hệ thống hoàn chỉnh nên mới có giá 1,4 tỷ đồng. Riêng máy chia mẫu và máy tách chiết ADN/ARN tự động chưa có nên công đoạn này các nhân viên y tế phải làm thủ công. Chi phí mua sắm thiết bị là từ ngân sách và chỉ định thầu rút gọn để kịp thời có máy xét nghiệm dich Covid-19.
Dư luận đặt câu hỏi trước việc loạn giá máy PCR, đâu là thực, giá nào bị thổi, mức nào thì có thể bị giam như trường hợp của giám đốc CDC Hà Nội? Một doanh nghiệp cung cấp thiết bị y tế cho biết giá thành tùy thuộc nước sản xuất, loại nhẫn hiệu, mức công suất, thời điểm mua, đơn vị cung cấp, tuy nhiên không quá lớn đến mức gấp 3,4 lần.
Tính đến nay toàn quốc có 112 phòng xét nghiệm có thể xét nghiệm được virus corona, với năng lực xét nghiệm khoảng 27.000 mẫu/ngày đã giúp sớm phát hiện ca bệnh corona chủng mới. Tuy nhiên chi phí mua thiết bị lớn và chênh lệch quá nhiều giữa các địa phương cũng cho thấy những mặt trái xung quanh vấn đề thiết bị xét nghiệm. Từ hơn 1 tỷ đến gần chục tỷ là sự chênh lệch lớn, đâu là giá thực, có lẽ vẫn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.