TP. Vũng Tàu yêu cầu người lao động không được đi làm bằng xe 2 bánh hay đi bộ, shipper phải có giấy xét nghiệm không nhiễm Covid-19 trong vòng 3 ngày. Phản ứng nhận được là gì?

Theo Tuổi Trẻ, tối 18/7, TP. Vũng Tàu ra công văn về biện pháp kiểm soát người lưu thông ở TP này trong thời gian thực hiện giãn cách.

Yêu cầu “3 cùng, 3 tại chỗ” với công nhân

Cụ thể, TP. Vũng Tàu yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sắp xếp bố trí “3 tại chỗ” (ăn, ở, sản xuất) và “3 cùng” (cùng làm việc, cùng đi 1 phương tiện, cùng nghỉ một nơi) cho người lao động. Trường hợp không bố trí được “3 tại chỗ” thì yêu cầu tổ chức xe ô tô đưa đón người làm việc đi, về. Và xe phải bố trí ghế giãn cách, không quá 50% số ghế, không quá 20 người.

Đáng chú ý, TP này “không cho phép người lao động sử dụng xe hai bánh, đi bộ” để đi làm. Chỉ cho phép nhân viên giao hàng (shipper) và người dân làm việc tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các cơ sở cung ứng lương thực thực phẩm được sử dụng xe mô tô đi lại, nhưng phải có giấy xét nghiệm không nhiễm Covid-19 trong vòng 3 ngày.

Công nhân viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, đơn vị công lập cũng được phép sử dụng xe mô tô để di chuyển.

Sau khi ban hành văn bản trên, nhiều người dân TP. Vũng Tàu khá lo lắng vì không phải ai cũng được công ty, doanh nghiệp dùng ô tô đưa đón để đi làm. Bản thân doanh nghiệp cũng không phải ai cũng có điều kiện có xe để đưa đón nhân viên.

Đại diện một doanh nghiệp nói: “Theo văn bản này thì doanh nghiệp phải đi một vòng Vũng Tàu để đón nhân viên. Như vậy là hết giờ làm”.

“Nguồn lực đâu đưa đón nội đô khi chưa hề chuẩn bị”, một người khác có ý kiến.

Văn bản của TP. Vũng Tàu không sai nhưng người lao động đi một mình, có đầy đủ thông tin thì nên theo các văn bản trước. Giờ chặn thì khó cho các doanh nghiệp. Đâu phải công ty nào cũng có xe, ngồi chung còn nguy cơ hơn xe cá nhân, đại diện một doanh nghiệp khác nhận định.

“Theo tôi, văn bản này chỉ áp dụng cho nhà máy, khu công nghiệp”, người này nói.

Một lãnh đạo TP. Vũng Tàu cho biết, TP đã họp và thống nhất trước khi ban hành văn bản này. Theo vị này, do nguy cơ dịch Covid-19 lây lan rất cao từ các ngành chức năng báo lên.

“Chính quyền TP thực sự không muốn ngăn sông cấm chợ. Việc ra văn bản trên là để nhanh chóng chặn đứng sự lây lan. Mong người dân và doanh nghiệp hiểu và thực hiện”.

Sáng 19/7, có thêm 2.015 ca mắc Covid-19

Sáng 19/7, Bộ Y tế thông báo Việt Nam có 2.015 ca mắc Covid-19, riêng TP. Hồ Chí Minh đã 1.535 ca, Hà Nội có 11 ca.

Còn lại 204 ca ghi nhận tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai có 74 ca, 41 ca ở Vĩnh Long, 30 ca ghi nhận tại Bến Tre, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận 17 ca, và các tỉnh thành khác.