Nhận bồi thường oan sai 2,3 tỷ đồng phải ‘chi ngay’ 900 triệu, Bộ Tư pháp nói gì?
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 2/4, bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bổ trợ tư pháp cho biết đã nắm được thông tin vụ việc gia đình ông Mưu Quý Sường (ở Bắc Giang) vừa nhận được hơn 2,3 tỷ đồng bồi thường oan sai nhưng phải “chi ngay” 900 triệu đồng cho một cá nhân ở công ty luật đã giúp hỗ trợ pháp lý.
- Thêm 4 gối cao su ở tuyến Metro 43 nghìn tỷ xê dịch khỏi vị trí
- Nước hồ ở Bà Rịa – Vũng Tàu bỗng chuyển màu hồng tím
- Giả cô dâu, chú rể gây ra 101 vụ lừa đảo, 41 bị cáo lãnh hơn 120 năm tù
Báo Pháp Luật TP. HCM cho biết, liên quan đến vụ việc của gia đình ông Sường, khi báo chí hỏi: “Việc quản lý văn phòng luật có kẽ hở nào hay không?”, bà Mai trả lời: “Chúng tôi đã nhận được thông tin cách đây vài ngày và đang nghiên cứu”.
Bà Mai cho biết chưa rõ người liên hệ với người được bồi thường ở Bắc Giang với tư cách cá nhân hay công ty luật? Người nhận là Phó giám đốc một công ty luật nhưng không rõ người này có phải luật sư hay không.
Bà Mai lý giải có hai trường hợp:
Thứ nhất, nếu người liên hệ với tư cách cá nhân và không phải là luật sư thì quan hệ giữa người này với người được bồi thường là quan hệ dân sự và sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.
Còn trường hợp người liên hệ là luật sư và nhân danh công ty luật đòi thù lao đến 900 triệu thì pháp luật hiện hành đã có đủ các quy định để xử lý vấn đề này.
Bên cạnh đó, bà Mai mong các nhà báo tiếp tục cung cấp thông tin về vụ việc này Cục Bổ trợ tư pháp có hướng nghiên cứu xử lý.
Như báo Dân trí đã phản ánh, 3 năm sau khi tiến hành xin lỗi công khai vì đã khởi tố, bắt tạm giam oan ông Mưu Quý Sường vào năm 1977, công an tỉnh Bắc Giang vừa hoàn tất việc chi trả bồi thường hơn 2,3 tỷ đồng cho gia đình ông Sường.
Đáng chú ý, đại diện gia đình ông Mưu Quý Sường khẳng định, ngay sau khi nhận đủ số tiền bồi thường từ cơ quan công an, họ đã lập tức đưa 900 triệu đồng tiền mặt để “chia công” cho người đại diện pháp lý của gia đình, đang làm việc tại một công ty luật ở Hà Nội.
“Sau khi nhận tiền xong, ông ấy bảo ký hợp đồng để chắc chắn 2 bên. Không sợ sau này mình đòi lại hoặc ông ấy đòi thêm. Số tiền “cảm ơn” khoảng 40% tổng giá trị được bồi thường”, đại diện gia đình ông Sường thông tin.
“Trước đó, 2 bên chỉ nói miệng với nhau về tiền thuốc nước. Sau khi được công an trả tiền bồi thường thì hai bên mới ký hợp đồng thỏa thuận, không phải ký từ đầu”, vị này nói tiếp.