Nhận diện những thủ đoạn lợi dụng thương hiệu “chè Thái Nguyên” để lừa đảo

Bảo vệ thương hiệu “chè Thái Nguyên” không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà còn cần đến sự phối hợp đồng bộ của doanh nghiệp, người sản xuất và đặc biệt là người tiêu dùng. Việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái là yếu tố then chốt nhằm nâng cao giá trị; và khẳng định vị thế đặc sản chè Thái Nguyên trên thị trường.
- Thái Nguyên: Nhiều người vỡ mộng làm giàu vì mô hình đa cấp nấm Ngưu chương chi
- Đồng Nai triệt phá đường dây lừa đảo tiền ảo gần 10.000 tỷ đồng
- Phá đường dây mua bán người, giữ người trái phép tại Thái Bình: 14 đối tượng bị bắt giam
Nội dung chính
Nỗ lực từ cơ quan chức năng trong bảo vệ thương hiệu chè Thái Nguyên
Trước tình trạng lạm dụng thương hiệu “chè Thái Nguyên” để lừa đảo người tiêu dùng bằng các sản phẩm kém chất lượng; lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên đã chủ động vào cuộc. Cụ thể, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an tỉnh Thái Nguyên, mới đây đã xác minh tài khoản Facebook Hùng Nguyễn do ông Nguyễn Việt Hùng (sinh năm 1972, Phú Thọ) quản lý. Người này bị tố cáo bán chè giả mạo thương hiệu Thái Nguyên, kém chất lượng.
Thượng tá Đặng Xuân Đức, Phó Trưởng phòng PA05, cảnh báo: “Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo trên môi trường mạng ngày càng tinh vi“. Do vậy, cả người sản xuất và người tiêu dùng đều cần nâng cao cảnh giác; chỉ nên mua chè từ các đại lý, cửa hàng có uy tín, thông tin sản phẩm rõ ràng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản yêu cầu ngành Công Thương đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ thương hiệu chè, từ hỗ trợ chuỗi cung ứng, quảng bá sản phẩm; đến kiểm tra chất lượng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Doanh nghiệp và người tiêu dùng phải chủ động
Việc chè Thái Nguyên bị làm giả không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng; mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của những cơ sở sản xuất chân chính. Anh Lê Sơn Hải (cơ sở Trà An Hải, TP Thái Nguyên) chia sẻ: “Tình trạng lừa đảo khiến khách hàng mất niềm tin vào thương hiệu, làm ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi sản xuất và tiêu thụ.”
Thay vì xoá các bình luận tiêu cực, anh Hải chủ động đối thoại với khách hàng; đề nghị họ cung cấp thông tin và hình ảnh sản phẩm mua phải chè giả để cảnh báo cộng đồng. Đồng thời, nhiều khách hàng trung thành cũng góp phần bảo vệ thương hiệu bằng cách đăng nhận xét tích cực về những cơ sở uy tín.
Anh Hải cho rằng, cốt lõi của sự phát triển bền vững là sản phẩm thật chất lượng; sản xuất đúng kỹ thuật và giữ vững hương vị truyền thống. Bên cạnh đó, chăm sóc khách hàng cũng là phương pháp xây dựng niềm tin lâu dài; và tăng cường khả năng nhận diện thị trường, tránh rủi ro bị lợi dụng.
Theo bà Nguyễn Thị Hà – Chủ tịch hiệp hội chè Thái Nguyên: “Người tiêu dùng khi mua các sản phẩm mang thương hiệu “Chè Thái Nguyên” nên kiểm tra kỹ các thông tin trên bao bì của sản phẩm như: tên sản phẩm, cơ sở sản xuất, địa chỉ, tem nguồn gốc xuất xứ… Ngoài ra, để tránh việc bị nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ hay mạo danh thương hiệu “Chè Thái Nguyên”; người tiêu dùng cũng có thể vào địa chỉ https://thainguyentea.gov.vn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.”
Tăng cường bảo vệ pháp lý và kiểm soát môi trường mạng
Khi bị giả mạo thương hiệu, các cơ sở cần chủ động cảnh báo khách hàng qua mạng xã hội; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn các hành vi gian lận. Việc đăng ký nhãn hiệu tại cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ cũng là yếu tố quan trọng nhằm bảo vệ thương hiệu “chè Thái Nguyên” trước pháp luật.
Người sản xuất cần lưu ý rằng giá thành thấp không thể đi đôi với chất lượng cao. Một kg chè búp khô phải mất ít nhất 5 kg chè tươi; cộng thêm chi phí sao sấy, đóng gói, thì giá không thể chỉ 150.000 đồng/kg như một số đối tượng rao bán.
Người tiêu dùng thông thái là tấm khiên bảo vệ thương hiệu chè Thái Nguyên
Nguy cơ mua phải chè giả, kém chất lượng qua mạng là rất lớn. Người tiêu dùng cần tỉnh táo, tìm hiểu rõ người bán; xem đánh giá, chứng nhận sản phẩm và thông tin liên hệ. Nên ưu tiên các sàn thương mại điện tử lớn, các cửa hàng có chính sách bảo vệ người mua rõ ràng.
Khách hàng cần kiểm tra kỹ bao bì, nguồn gốc, quy trình sản xuất. Nếu phát hiện điểm bất thường, cần phản hồi ngay với người bán hoặc đơn vị vận chuyển. Đối với thanh toán, nên dùng các phương thức an toàn như ví điện tử, thẻ tín dụng; và không cung cấp thông tin nhạy cảm khi chưa xác minh được độ uy tín của người bán.
Theo: Baothainguyen