Sau 7 năm đạp xích lô, cụ Nguyễn Mai (sinh năm 1936) bất ngờ qua đời ở tuổi 77, để một ngôi nhà, sổ tiết kiệm, 35 nhẫn vàng và tiền mặt vì không có người thừa kế.

Căn nhà mà ông Mai để lại nằm heo hút bên trong tuyến đường nhánh Tú Luông (khu phố 2, phường Đức Long, TP Phan Thiết). Theo báo Người Lao Động, Trưởng khu phố 2, phường Đức Long – ông Nguyễn Đức Hiền cho biết kể từ khi ông Mai mất từ năm 2013, căn nhà được niêm phong không có người ra vào.

Vì ông này chỉ sống một mình và không giao du với ai nên phải 3, 4 ngày sau khi ông qua đời, hàng xóm mới biết vụ việc. Địa phương đứng ra lo thủ tục ma chay cho ông và chôn cất dưới một ngôi mộ tạm. Đến năm 2019, một dịch vụ mai táng đã ứng trước kinh phí hơn 8 triệu để xây cất lại ngôi mộ cho ông Mai.

Năm 2016, ba năm sau ngày ông Mai chết, không tìm được người thân, chính quyền địa phương mở niêm phong ngôi nhà để kiểm kê và phát hiện số tài sản giá trị mà ông Mai để lại. Trong đó, ngoài căn nhà ông Mai đang ở có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn có hơn 8,3 triệu tiền mặt, một sổ tiết kiệm 50 triệu đồng, một đồng hồ cùng 35 chiếc nhẫn vàng được xếp từng xâu. Tất cả số tài sản này được phường Đức Long kiểm kê và tạm giữ nhưng đến nay vẫn chưa có hướng xử lý. 

Bản kê tài sản mà ông Mai để lại
Bản kê tài sản mà ông Mai để lại – ảnh: Người Lao Động.

“Cách đây 2 năm có một cặp vợ chồng quê ở Bình Định khi hay tin về ông Mai có ghé vào Phan Thiết để thăm mộ và nhận thừa kế. Tuy nhiên, qua xác minh hai người này không nằm trong diện được hưởng thừa kế theo pháp luật. Từ đó đến nay không còn ai liên lạc để nhận số tài sản trên” – ông Nguyễn Đức Hiền nói.

TP Phan Thiết và phường Đức Long đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp để giải quyết số tài sản ông Mai để lại nhưng vẫn chưa có hướng ra. Đến tháng 3/2020, UBND TP Phan Thiết mới có văn bản gửi UBND phường Đức Long, yêu cầu căn cứ quy định tại Điều 11, Nghị định số 29 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện việc xác lập “sở hữu toàn dân” đối với di sản của ông Mai. 

Chia sẻ với báo VnExpress, ông Lê Văn Sáng, 71 tuổi, ở đối diện cho biết, ông Mai từ Bình Định vào Phan Thiết lập nghiệp. Trước 1975, ông Mai giúp việc cho trại heo của gia đình người Hoa đối diện cổng chữ Y (nay là vườn bông Đức Long). Năm 1979, gia đình chủ trại heo đi nước ngoài định cư theo diện Hoa kiều hồi hương, đã cho người làm công căn nhà của mình. 

Ông Mai sau đó bán đi lấy tiền vào mua ngôi nhà xây trên mảnh đất hiện tại diện tích chừng 150m2, phía sau đình làng, cách cổng chữ Y chừng 300 m. Ông lão chuyển qua nghề đạp xích lô và nhặt ve chai sống qua ngày. Lúc đến xóm này ở cho đến khi qua đời, ông rất ít giao du với xóm giềng. “Ổng chỉ cứ lủi thủi một mình, nên mọi người gọi ổng là ông Hai Cô Đơn”, ông Sáng nói. 

Lúc đến xóm này ở cho đến khi qua đời, ông rất ít giao du với xóm giềng. “Ổng chỉ cứ lủi thủi một mình, nên mọi người gọi ổng là ông Hai Cô Đơn”, ông Sáng nói. 

Sáng sớm, ông mở cửa đẩy chiếc xích lô ra đi làm. Đến xế chiều, đạp xe về, ông đóng cánh cửa gỗ lại, mọi sinh hoạt bên trong căn nhà đều kín đáo. Ông không muốn làm phiền ai và ngược lại. Chỉ sau này, lúc bị bệnh do già yếu, ông mới nhờ hàng xóm đi mua cháo, mua thuốc giúp. “Nhưng ông ấy cũng chỉ hé cửa, không ai được bước vào nhà”, chị Lê Thị Thu Thủy, 46 tuổi, người cùng xóm cho biết.