Philippines lên án Luật hải cảnh Trung Quốc: ‘Nếu không phản đối, tức sẽ phục tùng’
Ngoại trưởng Philippines ngày 27/1 chính thức gửi công hàm phản đối việc Trung Quốc thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh nước này nổ súng nhắm vào các tàu nước ngoài, gọi đó là “mối đe dọa chiến tranh”.
- Tập Cận Bình hô hào: ‘Nước lớn không nên bắt nạt nước nhỏ’
- Thế giới 28/1: TT Biden bị kiện; Ông Trump sắp gặp lãnh đạo Đảng Cộng hòa
- Cựu Ngoại trưởng Mỹ Pompeo gia nhập Viện Hudson, dọn đường tranh cử tổng thống 2024?
Hãng tin CNN Philippines đưa tin Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm thứ Năm (27/1) đã lên tiếng phản đối Bắc Kinh ban hành Luật hải cảnh. Theo ông Locsin, việc ban hành luật là quyền của mỗi quốc gia, nhưng căn cứ vào khu vực chịu tác động thì hành động của Trung Quốc là “một lời đe dọa chiến tranh” đối với các quốc gia ở Biển Đông.
“Nếu không phản đối, tức sẽ phục tùng”, ông Locsin nhấn mạnh.
Luật hải cảnh Trung Quốc được ví như ‘bom hẹn giờ’
Theo Luật hải cảnh được Trung Quốc thông qua hôm 22/1, lực lượng hải cảnh nước này được phép sử dụng “tất cả biện pháp cần thiết” để chống lại tàu nước ngoài. Đáng lo ngại nhất là lực lượng này còn được trao quyền sử dụng vũ khí nhằm vào tàu các nước khác ở khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp. Hải cảnh Trung Quốc cũng được cho phép lên và kiểm tra tàu nước ngoài, cũng như phá dỡ các công trình do các nước khác xây dựng trong vùng biển tranh chấp.
Các nhà phân tích Philippines bày tỏ lo ngại rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tạo tiền đề cho một cuộc xung đột vũ trang toàn diện ở Biển Đông, bởi luật mới đã gia tăng đáng kể sức mạnh của lực lượng tuần duyên Trung Quốc khi thực hiện các cuộc tấn công trên biển trong khu vực.
Tờ SCMP dẫn lời ông Fernando Hicap, chủ tịch Pamalakaya, một liên đoàn của các tổ chức ngư dân nhỏ, cho biết luật này “mâu thuẫn với nguyên tắc tự do hàng hải được luật hàng hải quốc tế công nhận”.
Ông Hicap nói thêm rằng điều này có nghĩa là “lực lượng tuần duyên Trung Quốc có thể bắn bất cứ ai, có vũ trang hoặc không có vũ trang, trong vùng lãnh hải mà họ yêu sách phi pháp. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngư dân Philippines ngay trong lãnh hải của chúng tôi”.
Tờ the BL bình luận rằng luật mới cho thấy quân đội của ĐCSTQ đã chuyển từ chiến lược phòng thủ sang tấn công một cách rõ ràng.
Theo báo cáo của SCMP, cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio nói rằng “Luật mới của Trung Quốc vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc cấm sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hoặc hàng hải. Nếu Trung Quốc áp dụng luật mới của mình đối với các đảo Pag-asa hoặc Bãi cạn Ayungin, điều đó rõ ràng là sự vi phạm hiến chương”.
Ông Carpio nói thêm: “Việc sử dụng lực lượng tuần duyên để bảo vệ biên giới trên biển là dấu hiệu cho thấy một cuộc chiến chắc chắn thể xảy ra”.
Xung đột giữa ĐCSTQ và Philippines không phải là lần đầu tiên. Trước đó, vào tháng 3 năm ngoái, Philippines đã lên tiếng phản đối Trung Quốc sau khi một số thượng nghị sĩ bày tỏ lo ngại về khả năng 3.000 binh sĩ ĐCSTQ có thể xâm nhập vào đất nước của họ, theo the BL dẫn nguồn truyền thông Philippines.