Sau sự việc lấy đất đã có chủ trong bản đồ địa chính chia thành 41 thửa đất tại Quảng Bình, mới đây 10 hộ gia đình ở xã Quảng Hợp tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng khi đất trồng rừng của họ bị lấy chia cho người khác.

Báo Quảng Bình phản ánh sự việc UBND xã Quảng Hợp đã không rà soát kỹ lưỡng quỹ đất hiện có và thực tế đất rừng của các hộ, nên đã lấy đất trồng rừng của 3 hộ dân chia thành 41 thửa đất giao cho nhiều hộ khác khiến nhiều hộ dân dở khóc dở cười khi một mảnh đất rừng có 2 ‘khổ chủ’.

UBND xã Quảng Hợp không rà soát kỹ lưỡng quỹ đất và thực tế đất trồng rừng nên đã có hiện tượng một thửa đất có 2 chủ – ảnh trên Dân trí.

Sau đó cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã vào cuộc thu hồi 41 sổ đỏ đã cấp, đồng thời đề nghị bóc tách trên 26ha đất rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý để giao cho các hộ gia đình có nhu cầu sản xuất.

Sự việc dẫn đến khiếu kiện kéo dài và ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn chưa giải quyết xong thì mới đây có thêm 10 hộ gia đình ở thôn Hợp Trung tiếp tục làm đơn kiến nghị gửi chính chính quyền địa phương đề nghị trả lại diện tích đất trồng rừng mà UBND xã Quảng Hợp đã lấy của họ chia cho các hộ khác.

Báo Quảng Bình dẫn trường hợp ông Trần Mạnh Hòa cho hay năm 1996, chính quyền đã đồng ý cho ông khai hoang đất trống đồi núi trọc để trồng cây lưu niên, cây ăn quả và hoa màu tại khu vực Rừng Rèo khoảng 7.500m2, nay gọi là tiểu khu 161.

Năm 2000 ông chuyển sang trồng cây keo lai, bạch đàn do các loại cây trước đó mang lại hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2017 UBND xã Quảng Hợp đã lấy diện tích đất gia đình ông đang canh tác trong 20 năm để cấp cho 3 hộ gia đình khác đều ở thôn Hợp Trung.

Cán bộ địa chính xã Quảng Hợp trao đổi với phóng viên Báo Quảng Bình về hiện trạng đất trên địa bàn – ảnh trên Báo Quảng Bình.

Bà Nguyễn Thị Thơm ở thôn Hợp Trung, xã Quảng Hợp cho biết năm 2003 khu vực rừng tự nhiên thuộc tiểu khu 161 bị cháy, không có khả năng phục hồi nên gia đình bà cùng một số hộ khác đã khai hoang trồng cây góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc và phát triển kinh tế.

Năm 2008 diện tích đất trồng rừng của 10 hộ gia đình này không có sự tranh chấp, đã được cơ quan chức năng đo đạc, xác định ranh giới, nhưng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Năm 2017 UBND xã Quảng Hợp đã đề nghị UBND huyện Quảng Trạch và các phòng chức năng về việc đề nghị phê duyệt phương án giao đất rừng sản xuất để trồng rừng tại tiểu khu 160 và 161. Trong đó thôn Hợp Trung có tổng diện tích 65,76ha giao cho 130 hộ gia đình thuộc đối tượng chưa có đất rừng và có nhân khẩu trong độ tuổi lao động.

Tuy nhiên UBND xã Quảng Hợp đã không thống kê quỹ đất hiện có trên địa bàn, cũng như không rà soát lại thực tế đất trồng rừng của các hộ gia đình và cá nhân ở thôn Hợp Trung nên khi giao đất đã có hiện tượng một thửa đất giao cho 2 chủ, dẫn đến khiếu kiện kéo dài và ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Quảng Trạch Phạm Minh Cảnh trao đổi với báo giới về sự việc các hộ gia đình không có tên trong sổ mục kê, trong khi họ có đất canh tác trong thực tế có thể do hàng năm các hộ gia đình không kê khai hiện trạng sử dụng đất. Sắp tới Phòng Tài nguyên sẽ tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện để thành lập đoàn rà soát toàn bộ hiện trạng sử dụng đất ở xã Quảng Hợp, đồng thời có phương án phù hợp để giao lại đất rừng cho người dân sản xuất.