Hôm nay (4/5) UBND tỉnh Bình Thuận phát đi thông báo truy tìm tàu vận tải đâm chìm một chiếc tàu cá của ngư dân trong tỉnh, khiến 6 người rơi xuống biển.

Phía UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị các tàu thuyền, ngư dân biết thông tin tàu lạ đâm tàu cá BTh 89719 TS vào ngày 1/5 báo cáo lại với lực lượng chức năng.

Trước đó, lời khai của thuyền trưởng tàu cá bị đâm chìm và thông tin qua thiết bị định dạng AIS trên tàu cá cho thấy, tại thời điểm tàu cá BTh bị đâm chìm có tàu WHITE TO MONY (MMSI 548979000, quốc tịch Philippines) đi qua khu vực trên.

Khi đó, lúc 14 giờ 55 phút ngày 1/5, tàu cá BTh 89719 TS hành nghề lưới, gồm 6 lao động đang hoạt động trên vùng biển cách cửa biển thị xã La Gi khoảng 13 hải lý về hướng Đông – Đông Bắc thì bị một tàu (dạng tàu vận tải, hành trình theo hướng Nam – Bắc) đâm chìm tại chỗ. 6 người trên tàu cá bị rơi xuống biển.

Rất may cả 6 người đều được tàu cá gần đó cứu vớt, đưa vào bờ an toàn cùng ngày.

Gần đây, các tàu cá bám biển của Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi.

Trước vụ đâm tàu này, vào chiều 28/4, lãnh đạo xã Diễn Bích (huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho biết, một tàu cá của ngư dân ở xã này đã bị một tàu hàng chưa rõ lai lịch đâm chìm trên biển rặng sáng cùng ngày, 4 ngư dân trên tàu cá bị rơi xuống biển và may mắn được cứu sống.

Trong khi đó, Trung Quốc vừa tự ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên biển Đông, phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía Bắc biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Điều này buộc Hội Nghề cá Việt Nam phải gửi có công văn phản đối gửi Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Ban đối ngoại trung ương…

Trong đó, Hội nghề cá viết “”kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc. Quy chế này không có giá trị pháp lý đối với các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của mình”.

Hội cũng mong rằng Việt Nam có biện pháp phản đối mạnh mẽ nhằm ngăn chặn, chấm dứt hành động ngang ngược của Trung Quốc.