Nghị quyết luật an ninh mạng về Thiết lập, Cải thiện Hệ thống Pháp luật và Cơ chế thực thi cho Đặc khu hành chính Hong Kong đã được Quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu thông qua.

Nghị quyết được Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, thông qua với 2.878 phiếu thuận, một phiếu chống và 6 phiếu trắng trong phiên bế mạc kỳ họp thường niên gần 2.900 đại biểu ở Bắc Kinh chiều 28/5.

Với kết quả của nghị quyết, Luật an ninh cho Hong Kong sẽ có dự thảo chi tiết có thể được ban hành trong một vài tuần tới mà không cần thông qua Hội đồng Lập pháp của Hong Kong.

người Hong Kong biểu tình
Người dân Hong Kong tuần hành ở Vịnh Đồng La phản đối dự luật – ảnh trên báo quốc tế.

Thông thường các quy định ở Hong Kong sẽ do Hội đồng Lập pháp của Hong Kong quyết định. Nhưng lần này Bắc Kinh dường như đã không nhượng bộ sau các cuộc biểu tình kéo dài ở thành phố hồi năm ngoái.

Theo phía Trung Quốc, Luật an ninh riêng cho Hong Kong sẽ cấm các hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở đặc khu hành chính xứ Cảng thơm. Hiện chưa rõ các cơ quan an ninh Trung Quốc và tình báo Bắc Kinh có thiết lập cơ sở hoạt động ở thành phố hay không.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự kiến tổ chức họp báo để trả lời câu hỏi của các phóng viên từ khắp nơi trên thế giới liên quan đến quyết định trên.

Sự kiện này làm dấy lên mối lo ngại về số phận chính sách “một quốc gia, hai chế độ” mà Bắc Kinh hứa hẹn cho Hong Kong mức độ tự trị cao khi đặc khu được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Những cuộc tuần hành phản đối dự luật này đã xảy ra trên đường phố Hong Kong và cảnh sát bạo động được triển khai để giải tán đám đông.

cảnh sát chống bạo động
Cảnh sát chống bạo động Hong Kong được huy động để ngăn chặn người biểu tình phản đối dự luật an ninh hôm 27/5 – ảnh trên VnExpress.

Bắc Kinh khẳng định dự thảo luật vẫn đảm bảo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, không ảnh hưởng đến các quyền tự chủ của Hong Kong.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 27/5 cho rằng Hong Kong không còn quyền tự chủ cao như cam kết của Đại lục khi tiếp nhận thành phố từ tay Anh năm 1997, đồng thời cảnh báo Hong Kong sẽ không còn được hưởng một số ưu đãi của nhà Trắng nếu thành phó này không còn tự chủ.

Trong động thái tương tự, bà Thái Anh Văn cũng cảnh báo nếu áp đặt luật an ninh mới, Hong Kong và Macau có thể mất nhiều ưu đãi về ngoại giao, học tập, tôn giáo và tị nạn chính trị của Đài Loan.

Các quốc gia như Mỹ, Nhật, Canada, Australia, Anh và nhiều thành viên EU đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về dự luật an ninh Hong Kong, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng cam kết năm 1997, quyền tự do tự trị cao của Hương Cảng.