Hai cách giúp phát hiện bị tính gian tiền điện
Câu chuyện về những hoá đơn tiền điện tăng vọt xuất hiện trên nhiều mặt báo gần đây đang là tâm điểm của dư luận, thậm chí làm nhiều người phải hoài nghi tính minh bạch việc ghi chỉ số điện của EVN. Sau đây là 2 gợi ý để người dân có thể tự kiểm tra và tránh bị “mất tiền oan”.
- Lại vụ tiền điện tăng gấp 30 lần ở Nghệ An, điện lực nói ghi nhầm
- Hộ dân Quảng Bình sốc nhận hóa đơn gần 60 triệu tiền điện
- Chỉ số điện tăng vọt do ‘nắng nóng nên ghi nhầm số’
Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị độc quyền cung cấp điện. Từ khâu cung cấp điện, lắp đặt đồng hồ, ghi chỉ số công tơ, đến thu tiền điện đều do EVN thực hiện. Không một đơn vị thứ 3 nào đứng ra kiểm chứng. Nên trong quá trình hoạt động mua bán điện nếu có kẽ hở thì cũng rất khó phát hiện những sai phạm. Đến khi người dân phát hiện sai sót, phản ánh thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. Thậm chí giải quyết sai phạm cũng là do EVN xử lý, và cũng chỉ đưa ra những giải pháp tạm thời.
Việc ghi chỉ số điện của EVN còn nhiều mập mờ, không minh bạch
Gia đình anh Đức Thành (Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết thói quen sinh hoạt trong gia đình anh không có gì thay đổi, từ các thiết bị điện đến nhân sự trong nhà. Vậy mà tháng vừa rồi anh nhận được hoá đơn tiền điện tăng gần 200% (từ 1.162.000 đồng lên đến 2.100.000 đồng), rất khó thuyết phục, theo báo Lao Động.
Ghi điện viên ghi chỉ số điện lệch ngày giữa các tháng, thì chỉ số tháng trước (có thể ở bậc thấp) sẽ bị tính vào tháng sau (ở bậc cao hơn). Cái khó để thấy việc gian – ngay trong ghi số điện còn ở chỗ làm thế nào để kiểm chứng chất lượng công tơ điện do điện lực lắp đặt liệu có đảm bảo?
Giải pháp
Thay vì hoài nghi về chất lượng của điện kế, gợi ý sau đây có thể giúp người dân có thể tự kiểm tra, đối chứng để tránh bị mất tiền oan. Hai giải pháp này khá đơn giản, nhà nào cũng có thể làm được.
Thứ nhất: Ngắt tất cả các thiết bị điện và quan sát chỉ số của công tơ điện. Nếu công tơ vẫn quay, số điện vẫn nhảy thì chứng tỏ công tơ điện có vấn đề. Ngay lập tức bạn cần chụp hình, quay phim lại để làm bằng chứng. Sau đó yêu cầu điện lực địa phương lập biên bản và kiểm định lại công tơ.
Thứ hai: Chi thêm vài trăm nghìn để lắp công tơ phụ ngay sau công tơ của EVN. Cách này giúp bạn dễ đối chứng nếu có sự chênh lệch chỉ số. Ghi lại nhật ký công tơ theo chu kỳ tính điện của EVN (hoá đơn tiền điện). Nếu có sự khác biệt, bạn cũng dễ dàng có bằng chứng để khiếu nại với điện lực, theo Vnexpress.
Hy vọng với giải pháp này sẽ giải quyết phần nào những vướng mắc của người dân cũng như tránh việc bị “móc túi” một cách oan ức.