Trung Quốc siết nhập khẩu, 2.600 xe nông sản dồn ứ ở Lạng Sơn
Cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đang có tới 2.600 xe chở hàng hóa chủ yếu là nông sản bị ùn ứ do Trung Quốc đang tăng cường siết chặt hoạt động nhập khẩu từ Việt Nam để ngăn chặn dịch Covid-19.
- Mòn mỏi chờ giảm giá, nhiều hộ dân nhận hóa đơn điện tăng vọt
- Công ty Đài Loan sản xuất bộ xét nghiệm COVID-19 cho kết quả trong 12 phút, tỷ lệ chính xác 90%
- Nhật Bản hỗ trợ 2,2 tỷ USD cho các công ty rời khỏi Trung Quốc
Tối 10/4, VnExpress dẫn lời ông Phan Hồng Tiến – Trưởng ban quản lý kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ đầu tháng 4 phía Trung Quốc bắt đầu áp dụng các biện pháp siết chặt quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hiện chỉ có 5 cửa khẩu được làm thủ tục thông quan, trong đó cửa khẩu phụ chỉ làm việc 5 tiếng mỗi ngày. Một số cửa khẩu và lối mở khác đã tạm thời đóng cửa theo yêu cầu từ phía Trung Quốc.
Việc này dẫn đến mỗi ngày chỉ có khoảng 300 xe hàng được thông quan, thấp hơn nhiều so với tháng 3 mỗi ngày có khoảng 1200 xe. Đến tối 10/4 có 2.600 xe hàng bị ùn ứ chưa thông quan được, chủ yếu là nông sản, không chỉ gây thiệt hại cho bà con nông dân mà còn liên quan đến an ninh trật tự tại cửa khẩu.
Ông Tiến cho biết thêm, tỉnh Lạng Sơn trao đổi với cơ quan chức năng Trung Quốc, đề nghị tăng số cửa khẩu và kéo dài thời gian thông quan lên 9-10 tiếng như trước đây nhưng phía Trung chưa đồng ý.
Trước thực trạng này, Bộ Công thương đề nghị các địa phương điều chỉnh giảm nhịp độ đưa hàng hóa lên biên giới, đồng thời chế biến, đóng gói sản phẩm để tăng thời gian bảo quản, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch, hạn chế tiểu ngạch.
Từ ngày 7/4, Lạng Sơn đã thành lập đội 298 lái xe chuyên trách ở cửa khẩu Hữu Nghị huyện Cao Lộc; 300 lái xe ở cửa khẩu Tân Thanh huyện Văn Lãng. Trước khi xuất nhập cảnh tài xế được kiểm tra y tế, mặc đồ bảo hộ theo quy trình sau đó lái các xe hàng qua lại cửa khẩu.
Đặc biệt, Bộ Công thương đang phối hợp với Sở Thương mại Quảng Tây để tăng số lượng chuyến tàu vận tải hàng hóa đường sắt chở nông sản Việt Nam – Trung Quốc. Đây là giải pháp hiệu quả để giảm thời gian chờ đợi, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch và đảm bảo cho hàng hóa được thông suốt.