Chàng trai khuyết tật nhận tấm vé cuối ngày về thăm bố: ‘Người Sài Gòn hay giúp người không quen’
“Nhận vé tôi xúc động lắm, cứ nghĩ không còn cơ hội nào cho mình nữa, nhưng rồi tôi cũng về được đến nhà thăm bố… Mọi người đều mừng cho tôi vì gặp quá nhiều người tử tế. Tôi thấy ấm áp, giàu tình người lắm”, anh Phương bày tỏ.
- Tấm vé cuối ngày của chàng trai khuyết tật về quê thăm bố
- Nước mắt người cha lần đầu đi máy bay: ‘Con gái tôi mất rồi, cô cho tôi bay sớm với’
Mấy ngày nay trên mạng xã hội facebook xôn xao về câu chuyện của anh Nguyễn Quốc Phương (29 tuổi, quê Hưng Yên) “suýt” bị từ chối bay vì không có CMND/CCCD (do khuyết tật) và cũng không đủ tiền mua vé. Nhưng ở phút cuối, anh đã được nhân viên hãng bay cùng an ninh sân bay hỗ trợ nhận tấm vé lên chuyến bay giờ chót.
Sau khi bài viết được đăng tải trên các hội nhóm đã nhận được rất nhiều lời khen và cảm ơn tấm lòng nhân ái của những con người nơi đây.
Chiều 2/6, chia sẻ với Thanh Niên, anh Phương cho biết, anh đã về đến nhà lúc 21 giờ 30 phút ngày 31/5, tình hình sức khỏe của bố anh đã tốt hơn.
Cuộc sống không may mắn, nhưng quyết tâm tự lập
Anh Phương cho biết, anh bị khuyết tật từ trong bụng mẹ, không có các ngón tay, da mặt cũng nhăn nheo, sức khỏe yếu.
Ngày trước, anh đi học đến lớp 7 thì bỏ giữa chừng vì bị bạn bè trêu chọc “thằng khuyết tật”. Những năm ở quê, anh đi phụ làm ca nhạc hoặc ở nhà bố mẹ nuôi. 3 năm trước, được bạn bè động viên và muốn sống tự lập, anh một thân một mình vào Sài Gòn đi bán vé số.
Anh thuê một phòng trọ với giá 1,5 triệu đồng/tháng ở Q.12, hằng ngày qua đại lý lấy vé số rồi đi xe buýt đến đường Nguyễn Ảnh Thủ hoặc Bến xe An Sương để bán. Do tình trạng sức khoẻ không tốt nên anh chỉ bán nửa ngày rồi về nghỉ ngơi.
“Gia đình mừng cho tôi vì gặp được nhiều người tử tế“
“Hai ngày trước khi ra sân bay, tôi đã nhận được điện thoại của gia đình, nhưng vì cần thời gian để thu xếp lại nhà trọ, báo với đại lý nên ngày 31/5 mới ra được sân bay. Hỏi mua vé khắp các quầy, đều bị từ chối bay, tôi thất vọng đi lòng vòng trong nhà ga sân bay, anh an ninh thấy vậy hỏi tôi có chuyện gì rồi bắt đầu dẫn sang quầy vé của Bamboo Airways”, anh Phương nhớ lại.
Tại đây, khó khăn ban đầu của anh là không có giấy tờ tuỳ thân để làm thủ tục đã được nhân viên sân bay giúp đỡ làm xong.
Đến khi anh được thông báo tiền vé là 900.000 đồng, anh đành vét hết những đồng tiền còn lại trong túi cũng chỉ được 350.000 đồng, trong đó tờ tiền mệnh giá to nhất là 10.000 đồng. Anh thở dài, định bắt xe ôm về Quận 7 mượn tiền bạn.
Nhưng chưa kịp đi thì 2 nhân viên của hãng và an ninh sân bay giữ anh ở lại; họ trả lại anh số tiền anh vừa lấy trong túi ra; một lúc sau đưa cho anh một tấm vé cùng một khoản lộ phí do mọi người gom góp được.
“Nhận vé tôi xúc động lắm, cứ nghĩ không còn cơ hội nào cho mình nữa, nhưng rồi tôi cũng về được đến nhà thăm bố. Từ số tiền được giúp, tôi mua chút đồ thắp hương ông bà, quà cho cháu rồi kể chuyện cho cả nhà nghe, mọi người đều mừng cho tôi vì gặp quá nhiều người tử tế. Tôi thấy ấm áp, giàu tình người lắm”, anh Phương bày tỏ.
Người không quen biết cũng nhiệt tình giúp đỡ
Hơn 1 năm qua, từ khi có dịch Covid-19, số vé số anh Phương bán được mỗi ngày ít ỏi hơn; số tiền anh kiếm được mỗi ngày chỉ vừa đủ để anh lo tiền nhà trọ, sinh hoạt hằng ngày. Nhưng với anh, đó cũng là hạnh phúc vì anh có thể tự lo được cho mình mà không cần nhờ đến ai.
Bán vé số 3 năm ở Sài Gòn, anh Phương được đi xe buýt miễn phí vì có thẻ khuyết tật, nhiều bữa được nhận cơm, nước miễn phí; vài ba lần khách hàng mua vé số gửi anh thêm vài đồng uống nước; thậm chí người không quen biết cũng gửi anh 100.000 đồng khi thấy anh toát mồ hôi dưới nắng bụi. Đó cũng là lý do khiến anh muốn gắn bó hơn với mảnh đất này.
“Tôi thấy nhiều người khuyết tật khác còn phải đi xe lăn vẫn đi bán vé số, tôi còn tự đi lại được nên phải phấn đấu thôi. Nhiều người Sài Gòn dù xa lạ vẫn sẵn sàng giúp đỡ những người họ gặp ở ngoài đường. Đó là một trong những lý do 3 năm qua tôi vẫn một thân một mình mà bám trụ được ở đây”, anh Phương chia sẻ với Thanh Niên.
Nói về CMND, anh cho biết, năm 2013 anh có được mẹ dẫn đi làm nhưng vì không có vân tay nên không cơ quan nào làm được. Đợt này sẵn về quê thăm bố, địa phương lại đang làm CCCD, anh nói sẽ thử đi làm lại.