Ứng dụng cho vay nặng lãi Trung Quốc tràn vào Việt Nam, lãi suất hơn 1.000%/năm
Ông Nguyễn Hòa Bình, chủ tịch NextTech Group cho biết, hiện có khoảng 60 – 70 doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam lập công ty và thuê người Việt đứng tên để cho vay qua các ứng dụng online.
- Đường ‘Nhuệ’ bị điều tra hoạt động băng nhóm xã hội đen
- Huế: Loa truyền thanh xã nhiễm sóng tiếng Trung Quốc
- Truy nã đặc biệt nguyên Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Định
Thông tin trên ICTnews, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, đặc điểm chung các doanh nghiệp này không có hoạt động kêu gọi người cho vay mà chỉ quảng bá gọi người vay. Đây không phải là mô hình P2P (cho vay ngang hàng) thực sự mà có thể họ huy động nguồn vốn tự có từ Trung Quốc để cho vay.
Theo báo Công an TP.HCM, ngày 20/4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP cho biết đã triệt phá thành công một đường dây cho vay nặng lãi thông qua các ứng dụng cho vay tiền nhanh do người Trung Quốc cầm đầu. Đáng chú ý, các đối tượng đã phát triển “chân rết” khắp 60 tỉnh, thành với số nạn nhân lên tới hơn 60.000 người.
Theo đó, một nhóm người Trung Quốc gồm Niu Li Li (chưa rõ lai lịch) và Jiang Miao (sinh năm 1981) “núp bóng” phía sau một số công ty như V.F; B.M.V và Đ.P cung cấp các dịch vụ tài chính cho vay tiền thông qua các ứng dụng trên điện thoại như “Vaytocdo”, “Moreloan” và “VD online” với lãi suất hơn 1.000%/năm. Các đối tượng khai nhận hoạt động từ tháng 4/2019 đến nay với số tiền cho vay khoảng 100 tỷ đồng.
Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, nhiều người vay của các ứng dụng này cho biết do thời gian vay ngắn, lãi suất cao, nhiều người không kịp xoay tiền trả nợ. Đường cùng, họ được gợi ý vay các ứng dụng khác để trả nợ cũ, thực chất cũng nằm trong đường dây của nhóm người Trung Quốc. Có trường hợp vay 18 – 20 ứng dụng, không thể trả nợ, nghĩ đến chuyện tự tử.
Chia sẻ về vấn nạn này, một Phó Tổng giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần tiết lộ, hiện nay phần lớn cổ đông cốt cán của công ty cho vay trực tuyến đều xuất phát từ tín dụng đen. Thậm chí, nhiều công ty P2P ở Việt Nam chỉ do người Việt đứng tên, còn ông chủ thực sự là người Trung Quốc. Họ thuê người Việt đứng tên thành lập doanh nghiệp, thuê xã hội đen đòi nợ, đứng giữa ăn lãi khủng, nhưng không lộ mặt.
Ngày 7/5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Tấn Vũ Khanh, giám đốc phát triển quốc gia của Hãng bảo mật Kaspersky tại Việt Nam nhấn mạnh rằng Việt Nam chưa có chính sách rõ ràng… nên mới bị tình trạng như hiện nay. Ông Khanh cũng đề xuất cần nhanh chóng ban hành khung pháp lý thí điểm, hay còn gọi là sandbox cho các mô hình ứng dụng công nghệ mới, như dịch vụ tài chính.