Các nước phương Tây cùng điều tàu chiến đến Biển Đông, thách thức Trung Quốc
Các nhà lãnh đạo của Canada và châu Âu như Pháp, Đức, Anh đang điều tàu chiến đến khu vực Biển Đông để răn đe Trung Quốc. Họ cảm thấy rằng chính quyền này đã đi quá xa và đang gây ra các mối đe dọa.
- Tin sáng 24/2: Thêm 2 ca Covid-19 ở Hải Dương; Đảng Cộng hòa sẽ chiến thắng năm 2022 nếu làm theo ông Trump
- Quốc hội Canada thông qua đề xuất cáo buộc Trung Quốc ‘diệt chủng’ ở Tân Cương
- Ý: Hàng chục giáo viên bị ốm sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19
Hải quân Pháp xác nhận tàu tấn công đổ bộ Tonnere và tàu khu trục Surcouf của nước này đã rời cảng Toulon hôm 18/2, và sẽ đến Thái Bình Dương thực hiện nhiệm vụ 3 tháng, bao gồm việc đi qua Biển Đông hai lần và tham gia tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản trong tháng 5, theo SCMP.
Chỉ huy tàu Tonnere, ông Arnaud Trachant, cho biết đây là nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ đối tác giữa Pháp với nhóm “Bộ tứ kim cương” bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trước đó, hồi đầu tháng 2/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly xác nhận đã điều tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude tuần tra ở Biển Đông. Bà Parly nói rằng cuộc tuần tra này “thể hiện năng lực triển khai xa và lâu dài của hải quân Pháp cùng các đối tác chiến lược Úc, Mỹ và Nhật Bản”, theo tờ France24.
Động thái trên của Pháp diễn ra trong lúc các nước châu Âu như Anh và Đức được kỳ vọng sẽ triển khai tàu chiến tới Biển Đông nhằm thể hiện sự phản đối của phương Tây đối với hành động quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực này, tờ Times of India (Ấn Độ) đưa tin hôm 20/2.
Trong khi đó, một tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Canada hồi tháng Giêng đã đi qua eo biển Đài Loan trên đường tham gia các cuộc tập trận gần đó với hải quân Úc, Nhật Bản và Mỹ.
Tín hiệu cam kết từ các nước phương Tây
Nhà phân tích Sophie Boisseau du Rocher bình luận trên The Diplomat rằng Liên minh châu Âu (EU) không phải bên liên quan trực tiếp tới tranh chấp Biển Đông, nhưng EU vẫn có lợi ích mang tính hệ thống trong khu vực, chưa kể tới 40% thương mại quốc tế của họ dựa vào hành lang tự do và an toàn này.
Do đó, các nước phương Tây tuyên bố họ muốn hỗ trợ Mỹ trong việc chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, quốc gia đã gây hấn với các thuộc địa cũ của châu Âu và khiến người dân ở các nước phương Tây lo lắng, theo VOA.
Ông Stephen Nagy, phó giáo sư về chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Tokyo, nhận định: “Tôi nghĩ rằng có rất nhiều sự nhất trí của Pháp, Hà Lan, Anh và các quốc gia khác rằng những gì chúng ta đang chứng kiến từ Trung Quốc cho thấy nỗ lực nhằm sửa đổi trật tự để trở thành cường quốc, chứ không phải cách tiếp cận dựa trên quy tắc đối với khu vực”.
Vào tháng 4/2019, Trung Quốc từng cáo buộc Pháp “xâm nhập bất hợp pháp” vào “vùng biển của Trung Quốc” sau khi tàu khu trục Vendémiaire của Pháp đi vào eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, Paris vẫn duy trì việc đi qua eo biển này ít nhất mỗi năm một lần, nhằm tái khẳng định cam kết của Pháp về “tự do hàng hải theo luật pháp trên biển”.
Chuyên gia về châu Á Antoine Bondaz – nhà nghiên cứu tại Quỹ nghiên cứu chiến lược (trụ sở Paris, Pháp), cho biết Pháp đang muốn thể hiện vai trò một người bảo vệ tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế, và “đây là cách để nói với Úc, Ấn và Nhật rằng chúng tôi không nói suông. Pháp sẽ chỉ có uy tín trong khu vực nếu họ thể hiện rằng mình sẵn sàng hành động để bảo vệ các nguyên tắc ấy”.
Một điểm đáng chú ý, cột mốc 18/2 cũng là thời điểm Mỹ – Nhật – Ấn – Úc có cuộc họp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Trong khi cuộc họp này được kỳ vọng phản ánh chiến lược của “bộ tứ kim cương” đối với Trung Quốc, động thái từ Pháp và Anh cũng cho thấy khả năng tham gia sâu hơn của các nước châu Âu khác vào an ninh khu vực, cụ thể là Biển Đông.