Hình ảnh người con bế mẹ đã già yếu của mình vào lòng khi bà đang ngủ, trước cổng một bệnh viện khiến không ít người xúc động vì sự hiếu thảo của chàng trai.

Mới đây, tài khoản có tên A.B.T chia sẻ lên mạng xã hội clip mà anh quay lại được trước khoa khám bệnh tại một bệnh viện ở Hà Nội. Trong đó hình ảnh người con chăm sóc, ôm mẹ mình vào lòng khiến nhiều người xúc động và càng thêm thấm thía về tình mẫu tử, theo báo Thể Thao và Văn Hoá.

Trong hình, bên hông tòa nhà, nam thanh niên đeo khẩu trang ân cần dùng hai tay ôm nhẹ nhàng một cụ bà đã lớn tuổi vào lòng. Để tránh cái lạnh, anh đã khoác lên người cụ ấy thêm tấm chăn mỏng.

Hình ảnh người con bé mẹ trong lòng khiến nhiều ngừoi cảm động.
Hình ảnh nam thanh niên bế cụ bà làm nhiều người xúc động (ảnh cắt từ clip).

Có lẽ do di chuyển nhiều nên một chiếc tất của cụ bị rơi lúc nào không hay. Thế nhưng, trong vòng tay nam thanh niên trên, bà ngủ khá ngon lành và thoải mái. Mặc dù ngủ nhưng tay bà cụ vẫn ôm qua cổ chàng trai, thỉnh thoảng anh chàng còn cử động nhẹ để bà cụ đỡ mỏi.

Sau khi đăng tải lại clip trên, đã nhận được sự quan tâm từ phía cộng đồng mạng. Theo họ, cách đối xử của người đàn ông với đấng sinh thành của mình trong tình huống này không chỉ đáng khen, đáng quý mà hành động đó còn thể hiện rõ tình yêu thương rất chân thành và hiếu thảo .

Một bạn đọc bình luận “Trời lạnh nên các ông bà bị bệnh về đường hô hấp nhiều. Nhưng hiếm ai chăm sóc tận tình mẹ mình người đàn ông này đâu. Trong vòng tay con trai, hình ảnh bà ngủ ngon thật xúc động”.

Bạn đọc khác cho hay “Anh ấy quan tâm mẹ một cách nhẹ nhàng và ân cần. Nhìn thấy mà tự nhiên nhớ đến người thân mình quá”. Một tài khoản khác bình luận “Chàng trai ấy thật hiếu thảo , làm ấm lòng cả trời đông. Chúc hai người thật nhiều sức khỏe ”.

Có độc giả cảm thán vì thấy câu chuyện “có phần nào giống với tích cổ Trọng Do, tức Tử Lộ – học trò Khổng Tử cõng gạo dâng cha mẹ” khi xưa.

Gia cảnh Tử Lộ bần hàn, thường xuyên ăn rau dại qua ngày. Ông cảm thấy mình ăn rau dại không sao cả, nhưng nếu cha mẹ ông cũng như thế này thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cha mẹ, vì thế ông rất lo lắng.

Tử Lộ vì để cha mẹ được ăn cơm, nên đã đi xa ngoài trăm dặm để mua, rồi cõng gạo về nhà. Ngoài trăm dặm là quãng đường rất xa, có lẽ ngày nay có người có thể đi được một, hai lần, nhưng quanh năm bốn mùa thường xuyên như thế này thì không hề dễ dàng chút nào. Nhưng Tử Lộ lại vui lòng bất kể là gió rét hay nắng gắt, đều không quản nhọc nhằn đi trên trăm dặm mua gạo, rồi cõng về nhà cho cha mẹ.

Mùa đông, băng tuyết khắp trời kín đất, thời tiết vô cùng lạnh giá, Tử Lộ đội mưa tuyết to như quả trứng ngỗng bước trên mặt sông băng đi, từng bước từng bước tiến lên. Chân bị lạnh cứng, vác bao gạo hai tay lạnh buốt đến lúc không thể chịu nổi, bèn dừng lại đưa lên miệng hà hơi, sau đó lại tiếp tục lên đường. Mùa hè, trời nắng như thiêu như đốt, mồ hôi chảy đầm đìa trên lưng, Tử Lộ chẳng dừng lại nghỉ ngơi chút nào, chỉ để sớm về nhà làm bữa cơm ngon miệng cho cha mẹ. Gặp trời mưa lớn, Tử Lộ liền giấu bao gạo dưới áo, thà mình bị ướt đầm đìa cũng không để ướt gạo.

Sau khi cha mẹ qua đời, Tử Lộ xuống phía nam đến nước Sở. Sở Vương tuyển ông làm quan, dùng lễ đối đãi với ông, ban cho bổng lộc hậu hĩnh. Hàng ngày ông đều ăn sơn hào hải vị, ra ngoài có hàng trăm xe tùy tùng, sống một cuộc sống giàu sang phú quý. Nhưng ông không vì điều kiện vật chất tốt mà cảm thấy vui mừng, trái lại ông thường than thở, thương cha mẹ đã mất sớm. Ông mơ ước cha mẹ vẫn còn sống, cùng ông hưởng cuộc sống như thế này. Nhưng dù ông có muốn lại cõng gạo đi trăm dặm đường để phụng dưỡng cha mẹ thì vĩnh viễn không thể được nữa rồi.

Chuyện của Tử Lộ được bàn trên Minh Huệ rằng: Tận hiếu không phải là dùng vật chất để đo đếm, mà phải xem đối với cha mẹ có phải là lòng thành kính xuất phát từ nội tâm không. Tử Lộ đáng quý chính là ở chỗ, lòng hiếu của ông đối với cha mẹ là xuất phát từ nội tâm chân chính. Chính vì như vậy, bôn ba ngoài trăm dặm cõng gạo cho cha mẹ, ông không hề cảm thấy khổ nhọc, mà lại thấy vui như Tết.