Cập nhật sáng 1/7: WHO khuyên Việt Nam ‘thận trọng’ Covid-19; Bắc Kinh bị tố triệt sản cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ
Mục điểm tin cập nhật trên các trang báo sáng 1/7 xin gửi đến quý vị những nội dung chính sau
Tin trong nước:
- WHO khuyên Việt Nam ‘thận trọng’
- Đồng Nai có hơn 14.000 người lao động mất việc vì Covid-19
- TP.HCM cần hơn 900.000 tỷ đồng cho giao thông
- Lại bắt thêm 3 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam
- Người mẹ nhẫn tâm vứt con mới đẻ xuống hố ga từng bị truy nã tội trộm cắp
Tin thế giới:
- Ấn Độ cấm TikTok, WeChat và hàng chục ứng dụng Trung Quốc
- Bắc Kinh bị tố triệt sản cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ
- WHO cảnh báo dịch Covid-19 ‘gia tăng’ và ‘còn lâu mới chấm dứt’
- Chính phủ Anh thắt chặt phong tỏa ở Leicester do có nhiều ca nhiễm Covid-19 mới
- Bắc Kinh ra luật an ninh Hồng Kông, Mỹ bắt đầu dỡ bỏ quy chế đặc biệt cho đặc khu này
- Đài Loan siết quy định về đầu tư, để ngăn Bắc Kinh tiếp cận các dữ liệu, công nghệ « nhạy cảm »
- Cập nhật tối 30/6: Trung Quốc vận hành đập thủy điện khổng lồ mới cao hơn ‘quả bom nước’ Tam Hiệp
- Điểm tin kinh tế: “Quỳ gối” trước Bắc Kinh, HSBC đối mặt với thử thách nhất trong 155 năm lịch sử
- Biển Đông: Trung Quốc tập trận Hoàng Sa đáp trả tuyên bố ASEAN 36
Sau đây là nội dung chi tiết:
Tin trong nước
(VnExpress) – WHO khuyên Việt Nam ‘thận trọng’. Tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, ngày 30/6, Tiến sĩ Kidong Park – Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhìn nhận dịch bệnh đã gây sức ép rất lớn đến sức chịu đựng của nền kinh tế Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Gần đây một số nước đã tính toán đến việc mở cửa trở lại đường biên giới, nối lại đường bay quốc tế để phục hồi kinh tế.
“Tuy nhiên, dịch bệnh còn kéo dài, các nước kể cả Việt Nam, hết sức cân nhắc khi xem xét, quyết định vấn đề mở cửa”, ông Kidong Park nói.
Cách đây hai tháng WHO đã có cuộc họp về vấn đề mở cửa biên giới và nối lại các chuyến bay quốc tế. Theo đó, để quyết định việc này, các quốc gia cần căn cứ trên 3 yếu tố: Trước hết là dịch bệnh đã được kiểm soát hay chưa (ở cả hai đầu chuyến bay đi – đến); Hệ thống y tế có khả năng ứng phó với việc gia tăng ca nhiễm khi mở lại đường biên và nối lại các chuyến bay quốc tế hay không; Hệ thống giám sát có khả năng phát hiện, truy vết, quản lý các ca bệnh xâm nhập hay không.
(Tuổi Trẻ) – Đồng Nai có hơn 14.000 người lao động mất việc vì Covid-19. Sáng 30/6, Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai cho hay đã có 269 doanh nghiệp trên địa bàn phản hồi, họ đã buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động, ngừng việc và cắt giảm giờ làm đối với có gần 112.000 lao động, trong đó chấm dứt hợp đồng lao động với 14.124 người, cho ngừng việc 55.283 người và giảm giờ làm đối với 42.437 người.
Để phục hồi sản xuất, tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục xem xét các kiến nghị của các doanh nghiệp như cho chậm nộp thuế, miễn giảm tiền thuê đất…
Để tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài làm việc, Đồng Nai cũng đã xem xét chấp thuận cho 158 lao động là chuyên gia nước ngoài của 38 công ty quay trở lại làm việc…
(VnExpress) – TP.HCM cần hơn 900.000 tỷ đồng cho giao thông. Chiều 30/6, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề ra các giải pháp mang tính đột phá nhằm phát triển giao thông, kéo giảm ùn tắc và tai nạn. Vốn để đầu tư cho hạ tầng giao thông thành phố trong 10 năm tới là 904.293 tỷ đồng, gồm hơn 438.000 tỷ từ vốn ngân sách, còn lại các nguồn vốn khác (Trung ương, xã hội hóa, ODA…).
(Thanh Niên) – Lại bắt thêm 3 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Ngày 30/6, TP.Móng Cái cho biết vừa tiếp nhận 5 người vào cách ly tại khu vực Centre Way (P.Bình Ngọc, TP.Móng Cái), trong đó có 3 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam được Đồn Biên phòng Trà Cổ bàn giao.
Trước đó vào khoảng 22h ngày 29/6, tại khu vực Cồn Mang (khu Tràng Vĩ, P.Trà Cổ, TP.Móng Cái) Đồn Biên phòng Trà Cổ phát hiện, bắt giữ 2 xe máy do 2 người Việt Nam chở 3 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua khu vực đường biên giới.
Khai nhận tại cơ quan chức năng, 3 đối tượng người Trung Quốc khai nhận nhập cảnh trái phép vào Việt Nam với mục đích đến casino tại khách sạn Lợi Lai và Hồng Vận để đánh bài.
(VTC News) – Người mẹ nhẫn tâm vứt con mới đẻ xuống hố ga từng bị truy nã tội trộm cắp. Ngày 30/6, Công an TX Sơn Tây đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Thành (31 tuổi; trú tại Hoa Thành, Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh) để điều tra về hành vi vứt bỏ con mới đẻ.
Lãnh đạo Viện KSND dân TX Sơn Tây cho biết, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện ra Thành là bị can bị Công an quận Hoàn Kiếm truy nã trước đó về tội trộm cắp tài sản nên đã bàn giao đối tượng cho Công an quận Hoàn Kiếm tạm giữ.
Trước đó, tháng 4/2020, Thành bị Công an quận Hoàn Kiếm ra quyết định truy nã về tội trộm cắp tài sản, trước thời điểm Thành bỏ con dưới hố ga dẫn đến cháu bé bị qua đời sau 20 ngày điều trị tại bệnh viện.
Tin thế giới
(Tuổi Trẻ) – Ấn Độ cấm Tik Tok, WeChat và hàng chục ứng dụng di động của Trung Quốc. Ngày 29/6, Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ thông báo cấm 59 ứng dụng (trên tất cả các thiết bị sử dụng Internet di động và không di động) chủ yếu là của Trung Quốc, bao gồm Tik Tok, WeChat, trình duyệt web UC Browser, vì lý do an ninh quốc gia, trong bối cảnh hai nước căng thẳng về vấn đề biên giới.
Theo bộ này, họ đã nhận được nhiều khiếu nại từ các nguồn khác nhau về việc các ứng dụng trên một số nền tảng bị sử dụng để đánh cắp và chuyển dữ liệu người dùng đến các máy chủ trái phép ở bên ngoài Ấn Độ.
“Việc khai thác, thu thập và tổng hợp các dữ liệu bởi các yếu tố thù địch với an ninh quốc phòng của Ấn Độ, mà cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền và toàn vẹn của Ấn Độ, là một vấn đề đáng quan ngại sâu sắc và cần phải có biện pháp khẩn cấp”, tuyên bố nhấn mạnh.
(RFI) – Bắc Kinh bị tố triệt sản cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. Một nghiên cứu do quỹ Jamestown Foundation của Mỹ thực hiện, được công bố ngày 29/6 cho biết, Trung Quốc đã tiến hành một chính sách kiểm soát sinh sản bằng cách ép buộc triệt sản nhắm vào cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Căn cứ vào các tài liệu hành chính tham khảo được và qua trao đổi với nhiều nhân chứng, nhà nghiên cứu người Đức Adrian Zenz nhận thấy con số sinh nở của người Duy Ngô Nhĩ sụt giảm rất mạnh từ năm 2016. Nhiều phụ nữ cho biết bị ép triệt sản nếu không muốn bị gửi đến các trại cải huấn. Việc đặt vòng tránh thai dường như cũng đã được áp đặt cho nhiều người khác.
Trong báo cáo do Jamestown Foundation công bố, nhà nghiên cứu Adrian Zenz viết rằng Trung Quốc dường như sử dụng chính sách kiểm soát sinh sản cưỡng chế tại vùng Tân Cương trong khuôn khổ của một « chiến lược khống chế sắc tộc rộng lớn ».
(RFI) – WHO cảnh báo dịch Covid-19 ‘gia tăng’ và ‘còn lâu mới chấm dứt’. Ngày 29/6, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cảnh báo dịch virus corona tiếp tục « gia tăng » và « còn lâu mới chấm dứt ». Tình hình vẫn nghiêm trọng ở châu Mỹ và dường như có chiều hướng tái bùng phát ở Trung Quốc, trong khi các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn có hàng chục ca nhiễm mới hàng ngày.
Theo thống kê của AFP từ những nguồn chính thức, số ca tử vong vì Covid-19 trên khắp thế giới đã tăng gấp đôi trong chưa đầy hai tháng (250.000 tính đến ngày 5/5) và thêm 50.000 ca được ghi nhận trong 10 ngày gần đây.
Theo tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, « điều tồi tệ nhất mới sắp tới », đặc biệt trong « một thế giới bị chia rẽ » và « thiếu đoàn kết quốc gia và tương ái toàn cầu ». Ông tiếp tục kêu gọi các chính phủ và công dân áp dụng những « giải pháp đơn giản » để « cứu mạng người », gồm « xét nghiệp, tầm soát và cách ly người bị nhiễm ».
(AFP/RFI) – Chính phủ Anh thắt chặt phong tỏa ở Leicester do có nhiều ca nhiễm Covid-19 mới. Thành phố miền trung Anh Quốc có gần 3.000 ca nhiễm virus corona từ đầu mùa dịch, nhưng có đến 866 ca nhiễm mới trong vòng hai tuần gần đây. Leicester trở thành nơi đầu tiên ở Anh Quốc bị hạn chế ở quy mô địa phương.
Theo bộ trưởng Y Tế Matt Hancock, mọi hàng quán ở Leicester bị đóng cửa trở lại từ ngày 30/6 và trường học từ ngày 02/7. Các biện pháp trên sẽ được đánh giá lại trong hai tuần tới.
(RFI) – Bắc Kinh ra luật an ninh Hồng Kông, Mỹ bắt đầu dỡ bỏ quy chế đặc biệt cho đặc khu này. Trước ngày Trung Quốc thông qua luật an ninh cho Hồng Kông (30/6), ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua ra thông báo cho biết bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ không cho phép bán các phương tiện phòng vệ, các thiết bị quân sự, sang Hồng Kông, tương tự như với Trung Quốc. Theo lãnh đạo ngoại giao Mỹ, Washington cũng sẽ có các biện pháp để giới hạn việc xuất khẩu các công nghệ quốc phòng và các công nghệ lưỡng dụng, tương tự như với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ giải thích: « Việc Đảng Cộng Sản Trung Quốc phủ nhận các quyền tự do của Hồng Kông bắt buộc chính quyền Donald Trump phải xem xét lại chính sách đối với vùng lãnh thổ này ». Ông Pompeo cho biết chính quyền Mỹ đang xem xét các biện pháp khác.
Hồi tháng trước, tổng thống Mỹ đã đưa ra cảnh báo rút Quy chế đặc biệt của Hồng Kông, nếu chính quyền Trung Quốc ra luật an ninh quốc gia, can thiệp trực tiếp vào đặc khu, từ bỏ nguyên tắc « Một quốc gia, hai chế độ », quay lưng lại với các cam kết quốc tế của Bắc Kinh về Hồng Kông.
(Financial Times/RFI) – Đài Loan siết quy định về đầu tư, để ngăn Bắc Kinh tiếp cận các dữ liệu, công nghệ « nhạy cảm ». Báo kinh tế Anh Financial Times hôm nay, 30/6 cho hay, một số giới chức cao cấp trong chính phủ Đài Loan cho biết Đài Bắc thiết lập một danh sách các lĩnh vực, bị coi là « các khe hở », có thể bị phía Trung Quốc lợi dụng để gây tổn hại cho an ninh quốc gia, đặc biệt thông qua « đầu tư không chính thức ».
Theo bà Carol Lin, phụ trách một trung tâm về tài chính và quản trị doanh nghiệp, đại học Quốc gia Chiaotung, hiện tượng nhiều nhà đầu tư Trung Quốc ẩn sau các nhà đầu tư ngoại quốc khác, lợi dụng các lỗ hổng pháp lý, là khá phổ biến. Hiện chính quyền chưa có phương tiện pháp lý để ngăn chặn.