Kính chào quý vị và các bạn đến với bản tin cập nhật tình hình Covid-19. Bản tin hôm nay, ngày 17/4 có những nội dung sau

Tin tại Việt Nam

  • Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên dự trữ thuốc giun phòng COVID-19

  • 80 người Việt tại Nga nhiễm COVID-19

  • 625.000 euro được hỗ trợ cho trẻ em tộc thiểu số trong dịch COVID-19

Tin thế giới

  • Mỹ yêu cầu Trung Quốc xem lại quy tắc xuất khẩu trang thiết bị y tế chống COVID-19

  • FBI: tin tặc tấn công các nghiên cứu điều trị COVID-19

  • EU ước tính mất một năm nữa mới có văcxin

  • G7 kêu gọi đánh giá lại hoạt động và cải tổ WHO

  • Nhật, Anh gia hạn tình trạng khẩn cấp

Sau đây là nội dung chi tiết:

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên dự trữ thuốc giun phòng COVID-19

Ngày 16/4, Bộ Y tế đưa cảnh báo người dân không được tự ý mua thuốc trị giun để điều trị COVID-19. Bộ Y tế cho hay thuốc trị giun Ivermectin đang trong quá trình thử nghiệm điều trị COVID-19 và chưa được Bộ Y tế hướng dẫn chính thức, vì vậy người dân không nên tự ý sử dụng.

Ngoài ra, Bộ Y tế cho biết, một số thuốc như ARV(điều trị HIV), chloroquine/hydrochloroquine trị sốt rét, chỉ đang trong quá trình thử nghiệm điều trị nCoV, chưa có hướng dẫn chính thức, không nên tích trữ

Tính đến sáng ngày 17/4, Việt Nam công bố có 268 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 177 ca khỏi bệnh. Thôn Hạ Lôi vẫn là ổ dịch mới và lớn nhất hiện nay với 13 ca. Hôm qua, Tỉnh Hà Giang lần đầu tiên ghi nhận ca nhiễm, bệnh nhân 268. Tỉnh này cũng đã phong tỏa toàn bộ thôn.

Trong khi đó 28 tỉnh thành ở Việt Nam  tiếp tục ‘cách ly xã hội’ đến ngày 22/4. Đây là kết luận của Chính phủ Việt Nam. Như vậy việc cách ly xã hội không chỉ áp dụng cho 12 địa phương của nhóm nguy cơ cao.

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên

80 người Việt tại Nga nhiễm COVID-19

Truyền thông trong nước hôm 16/4 dẫn số liệu từ phía Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga cho biết, tính tới ngày 15/4 có khoảng 100 trường hợp người Việt tại Nga nhập viện do COVID-19 và viêm phổi thông thường.

Trong số này, có ít nhất 80 trường hợp tại Matxcơva đã nhận được kết quả dương tính với COVID-19. 

Hiện số ca nhiễm ở Nga tới sáng ngày 17/04 đã 27.938 ca, số trường hợp tử vong là 232 người, thủ đô Matxcơva là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất, hiện các bệnh viện ở đây đã trở nên quá tải, khiến Chính phủ Nga phải đưa vào hoạt động các trung tâm điều trị bổ sung để khắc phục tình trạng này.

625.000 euro được hỗ trợ cho trẻ em tộc thiểu số trong dịch COVID-19

Với tổng ngân sách 625.000 euro, Plan International Việt Nam sẽ hỗ trợ trực tiếp cho 32.000 trẻ bảo trợ và 250.000 người dân thuộc nhóm các tộc người thiểu số thông qua dự án dự án “Bảo vệ trẻ em dân tộc thiểu số trước dịch bệnh COVID-19” bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 9/2020.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất, năng lực cho cán bộ chuyên môn tại các mảng liên quan tại các trạm y tế, trường học, ngoài ra đưa thông tin để ngăn ngừa dịch bệnh cho trẻ em và gia đình thuộc các tộc người thiểu số.

Ảnh chụp màn hình báo Thời Đại

Tin thế giới

Theo thống kê trang worldometers, tính đến ngày 17/4, toàn thế giới đã ghi nhận 2.182.197 ca nhiễm COVID-19, 145.521 ca tử vong và 547.295 ca hồi phục.

Mỹ yêu cầu Trung Quốc xem lại quy tắc xuất khẩu trang thiết bị y tế chống COVID-19

Ngày 16/04, Mỹ yêu cầu Trung Quốc xem lại các quy tắc kiểm soát chất lượng xuất khẩu mới đối với các thiết bị y tế cần thiết để chống dịch COVID-19.

Cuối tuần trước Trung Quốc đã bắt đầu hoãn các lô hàng khẩu trang, máy thở và các thiết bị bảo hộ y tế khác để kiểm tra hàng hóa sau khi vấp phải nhiều than phiền về chất lượng.

Trước đó, chính phủ Anh đã yêu cầu Trung Quốc trả lại tiền sau khi phát hiện 3,5 triệu bộ xét nghiệm kháng thể được mua từ Trung Quốc có lỗi. Bộ Y tế Anh đã xác nhận không có một thiết bị nào trong số 3,5 triệu bộ xét nghiệm kháng thể vượt qua vòng kiểm tra độ chính xác.

Tất cả các thiết bị này đều được đặt hàng từ các nhà sản xuất Trung Quốc hồi tháng 3.

Một số chính phủ ở châu Âu cũng từ chối thiết bị chống dịch Covid-19 do Trung Quốc sản xuất.

Cuối tháng 3, Bộ Y tế Phần Lan đã thu hồi 600.000 khẩu trang đã được phân phát đến các bệnh viện vì không phù hợp và có các khuyết điểm trong bộ lọc.

Tây Ban Nha cũng gặp vấn đề tương tự với bộ kit xét nghiệm từ Trung Quốc khi có tới 60.000 bộ không vượt qua vòng kiểm tr a mức độ chính xác.

Thủ tướng Slovakia . Igor Matovic, cho biết có khoảng 1 triệu thiết bị xét nghiệm từ Trung Quốc rất không chính xác và nên bị bỏ đi.

Ireland cũng đã đưa ra tối hậu thư cho Trung Quốc sau khi phát hiện 20% trong số đồ bảo hộ cá nhân đã mua từ Trung Quốc không thể dùng được cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu. Tổng trị giá của số thiết bị được mua này là 176 triệu bảng Anh.

FBI: tin tặc tấn công các nghiên cứu điều trị COVID-19

Ngày 16/04, một quan chức an ninh mạng cấp cao của Cục Điều tra Liên bang (FBI) Mỹ cho biết “tin tặc của các chính phủ nước ngoài” đã đột nhập vào các tổ chức và công ty đang tiến hành nghiên cứu văcxin cũng như các phương pháp điều trị COVID-19.

Hãng tin Reuters cho biết FBI gần đây đã ghi nhận các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở y tế và cơ sở nghiên cứu của Hoa Kỳ.

Bà Tonya Ugoretz, Phó Giám đốc FBI, cho rằng việc các tổ chức thông báo các hoạt động nghiên cứu văcxin và các phương pháp điều trị COVID-19 là điều hợp lý, nhưng đáng buồn khi hành động này thu hút sự chú ý và hành động không như mong đợi từ một số chính phủ.

Ảnh chụp màn hình báo Người lao động

EU ước tính mất một năm nữa mới có văcxin

Báo Guardian (Anh) dẫn lời Cơ quan Dược phẩm châu Âu của Liên minh châu Âu (EU) ước tính phải mất một năm mới có văcxin sử dụng rộng rãi cho việc ngừa virus corona. 

Cơ quan Dược phẩm châu Âu cho rằng một năm là giai đoạn để sẵn sàng cho việc phê chuẩn và sản xuất đủ số lượng cung cấp cho việc sử dụng văcxin trên diện rộng. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen trước đó từng nói rằng văcxin có thể có mặt trên thị trường vào “trước mùa thu”. Hiện EU cũng cam kết chi nhiều tiền hơn vào nghiên cứu văcxin, cũng như đẩy nhanh các bước quy định dành cho việc sử dụng, ví dụ thử nghiệm lâm sàng.

G7 kêu gọi xem xét và cải cách tổ chức WHO

Theo Reuters đưa tin, ngày 16/4, các nhà lãnh đạo của nhóm các nước công nghiệp phát triển G7, trong cuộc họp trực tuyến  đã kêu gọi thực hiện một đánh giá và cải cách quy trình hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồng thời thống nhất cần có cách tiếp cận toàn cầu để đối phó với đại dịch COVID-19.

Tổng thống Trump hôm 14/4 thông báo ngưng tài trợ cho WHO, vì cho rằng tổ chức này thể hiện sự yếu kém trong hoạt động chống dịch Covid-19 và giúp Bắc Kinh che giấu sự thật về dịch bệnh ở Trung Quốc, khiến thế giới chủ quan trước sự nguy hiểm của COVID-19.

Quyết định dừng tài trợ cho WHO của Tổng thống Trump nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà lập pháp Mỹ.

Nhật, Anh gia hạn tình trạng khẩn cấp

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố mở rộng tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc cho đến hết ngày 6/5. Đây được xem là một trong những nỗ lực tiếp theo của chính phủ nhằm hạn chế sự lây lan của virus corona.

Thủ tướng Shinzo Abe cho biết quyết định của ông được đưa ra sau khi chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các trường hợp nhiễm COVID-19. Trước đó, Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 7 tỉnh, thành phố bao gồm Tokyo.

Ông cũng tuyên bố thêm đang xem xét việc hỗ trợ 100.000 yên (khoảng 925 USD) cho mỗi người dân, thay vì kế hoạch 300.000 yên trước đó (khoảng 2.800 USD) cho mỗi gia đình có thu nhập thấp.

Tại Anh, Ngoại trưởng Dominic Raab, người tạm thay thế cho Thủ tướng Boris Johnson trong lúc ông Johnson đang phục hồi từ COVID-19, ngày 16/4 loan báo tình trạng phong toả toàn quốc được triển hạn thêm ít nhất 3 tuần nữa.

Anh là nước đứng thứ năm thế giới về số tử vong vì virus corona, sau Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Pháp.