Kính chào quý vị và các bạn đến với bản tin cập nhật tình hình COVID-19. Bản tin hôm nay, ngày 24/4 có những nội dung sau:

Tin tại Việt Nam 

  • Chuẩn bị 13 chuyến bay đưa người Việt hồi hương

  • Giải tỏa cách ly quán ‘bar Buddha’

  • Quảng Nam dừng cách ly tập trung người từ Hà Nội, TP HCM

Tin thế giới:

  • Đức thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người

  • Ngoại trưởng Mỹ: Mỹ có thể sẽ cắt trợ cấp WHO vĩnh viễn

  • Gần 25.000 email, mật khẩu và dữ liệu của WHO, Quỹ từ thiện của Bill Gates bị hack

  • 80 nước/vùng lãnh thổ cấm xuất khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế

  • Tây Ban Nha tiếp tục trả lại Trung Quốc bộ kit xét nghiệm Covid-19 lỗi

Sau đây là nội dung chi tiết:

Chuẩn bị 13 chuyến bay đưa người Việt hồi hương

Sáng ngày 23/4, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không cho biết, Cục đang phối hợp với các hãng hàng không tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao; hành khách tự chi trả vé máy bay.

Hành khách sẽ được đưa đến sân bay quốc tế Nội Bài (hoặc Vân Đồn) ở phía Bắc và sân bay Tân Sơn Nhất (hoặc Cần Thơ) ở phía Nam, sau đó sẽ được cách ly tập trung theo quy định. 

Đến 6h ngày 24/4, Việt Nam ghi nhận 268 ca nhiễm COVID-19, trong đó 224 người được chữa khỏi, 44 người đang điều trị.  

Giải tỏa cách ly quán ‘bar Buddha’

Chiều ngày 23/4, liên quan đến việc xử lý ổ dịch Covid-19 tại quán ăn Thái Buddha Bar tại số 7 đường Thảo Điền (phường Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 2 Nguyễn Phước Hưng cho biết quận đã quyết định giải tỏa điểm cách ly kiểm dịch tại địa điểm này kể từ ngày 23/4.

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên

Trước đó, ngày 21/3, UBND Q.2 ban hành quyết định phong tỏa quán ăn này để phòng chống dịch Covid-19 sau khi xác định bệnh nhân thứ 91 từng đến quán ăn này trước khi nhiễm bệnh. 

Quảng Nam dừng cách ly tập trung người từ Hà Nội, TP HCM

Từ ngày 23/4, Quảng Nam dừng cách ly ở cơ sở tập trung với người về từ Hà Nội và TP HCM song yêu cầu họ ở nhà 14 ngày.

Ông Nguyễn Văn Hai – Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam – cho biết những trường hợp trở về từ TP HCM, Hà Nội và đang cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh, qua hai lần lấy mẫu xét nghiệm âm tính sẽ được về nhà. Những trường hợp trở về sau ngày 23/4 thì cách ly tại nhà và phải lấy mẫu xét nghiệm.

Tin thế giới:

Theo thống kê trang worldometers, tính đến ngày 24/4, thế giới ghi nhận gần 191,055 người chết, hơn 2,6 triệu ca nhiễm Covid-19.

Đức thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết đã phê duyệt thử nghiệm lâm sàng đầu tiên cho vaccine ngừa Covid-19.

Viện Paul Ehrlich, cơ quan quản lý phát triển vaccine ở Đức, là nơi thực hiện thử nghiệm lâm sàng này. Vaccine được đưa vào thử nghiệm là BNT162b1, phát triển bởi nhà nghiên cứu ung thư và miễn dịch học Ugur Sahin cùng công ty dược phẩm BioNTech.  

Thử nghiệm lâm sàng đầu tiên BNT162b1 sẽ thực hiện trên 200 tình nguyện viên khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 đến 55. Mục đích là để xác định phản ứng miễn dịch và kiểm tra xem liệu vaccine có gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào không.

Đây là loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên tại Đức và là vaccine thứ 7 trên thế giới được cấp phép để thử nghiệm trên người. Từ giữa tháng 3, Mỹ cấp phép hai loại vaccine, Trung Quốc bốn loại, để thử nghiệm lâm sàng. 

Ngoại trưởng Mỹ: Mỹ có thể sẽ cắt trợ cấp WHO vĩnh viễn

Theo Fox News ngày 22/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa cho biết Tổ chức Y tế Thế giới WHO cần cải tổ từ căn bản sau những sai lầm trong việc xử lý đại dịch Covid-19 và cảnh báo Mỹ, nhà tài trợ lớn nhất của WHO, có thể sẽ không bao giờ phục hồi ngân sách cho tổ chức này. 

Ảnh chụp màn hình báo Tinmoi

Tuần trước, Tổng thống Trump ra lệnh ngừng trợ cấp cho WHO, cáo buộc tổ chức này quá tôn sùng Trung Quốc và quảng bá thông tin sai lệch của Trung Quốc về bệnh dịch. Quan chức WHO bác bỏ cáo buộc này và Trung Quốc một mực khẳng định họ đã luôn minh bạch và cởi mở.

Hoa Kỳ đóng góp cho WHO hơn 400 triệu USD năm 2019, khoảng 15% tổng ngân sách của tổ chức này. Chính quyền Trump đang cân nhắc việc chuyển các khoản tài trợ này cho các tổ chức y tế khác hoặc phân bổ trực tiếp cho các nước cần thiết nhất.

Có gần 25.000 email của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ từ thiện của Bill Gates bị hack

Mới đây, theo Tập đoàn tình báo SITE chuyên giám sát các nhóm cực đoan và khủng bố trực tuyến cho biết, có gần 25.000 địa chỉ email và mật khẩu được cho là của Viện Y tế Quốc gia (NIH), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Gates Foundation và một số tổ chức khác liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 đã bị công khai.

Mặc dù SITE không thể xác minh liệu các địa chỉ email và mật khẩu có xác thực hay không, nhưng nhóm này cho biết thông tin đã được công bố vào ngày 19 và ngày 20/4. Một chuyên gia an ninh mạng của Úc, Robert Potter, cho biết ông có thể xác minh rằng các địa chỉ email và mật khẩu của WHO là có thật.

Một số lượng ít hơn những email này thuộc về quỹ từ thiện của tỷ phú Bill Gates, Gates Foundation. Bill Gates tuần trước đã công bố 150 triệu đô la tài trợ cho WHO sau khi Tổng thống Trump tạm thời đóng băng khoản đóng góp cho tổ chức này.

Mục tiêu khác cũng bị nhắm đến là Viện Virus học Vũ Hán, một trung tâm nghiên cứu của chính quyền Trung Quốc tại thành phố nơi đại dịch khởi phát và bị cáo buộc là nơi phát tán virus Corona chủng mới.

80 nước/vùng lãnh thổ cấm xuất khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế

Ngày 23/4, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết 80 quốc gia và vùng lãnh thổ hải quan đã cấm hoặc hạn chế xuất khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay và các mặt hàng khác để giải quyết tình trạng thiếu hụt trong nước.

WTO cho rằng lệnh cấm được áp dụng tại 72 nước thành viên của WTO và 8 quốc gia không phải là thành viên của tổ chức này, nhưng chỉ có 13 thành viên WTO đã thông báo cho WTO theo yêu cầu quy định.

“Mặc dù việc đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu là điều dễ hiểu, nhưng việc thiếu hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực này có nguy cơ khiến các nước phụ thuộc nhập khẩu sản phẩm y tế cần thiết bị cắt nguồn cung đột ngột và gây ra cú sốc cung”, WTO lập luận trong thông báo ngày 23/4.

Tây Ban Nha tiếp tục trả lại Trung Quốc bộ kit xét nghiệm COVID-19 lỗi

Trung Quốc mới đây đã gửi cho Tây Ban Nha lô hàng thay thế số dụng cụ xét nghiệm COVID-19 bị lỗi, nhưng lô hàng này tiếp tục cho kết quả không chính xác. Tây Ban Nha một lần nữa phải trả lại Trung Quốc và đang yêu cầu hoàn tiền cho toàn bộ đơn hàng.

Ảnh chụp màn hình báo Zingnews

Lô hàng mới được công ty Thâm Quyến Bioeasy, Trung Quốc gửi để thay thế lô hàng trước đó gồm 58.000 bộ dụng cụ xét nghiệm virus corona mà Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố “rất thiếu chính xác” để chẩn đoán bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Theo tờ El Pais, các bộ xét nghiệm tiếp tục được phát hiện có vấn đề vì chúng không đủ nhạy để phát hiện được virus.

Trước đó, vào cuối tháng Ba, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết nước này đã mua 467 triệu USD vật tư y tế từ Trung Quốc, bao gồm 950 máy thở; 5,5 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm; 11 triệu găng tay và hơn nửa tỷ khẩu trang.

Tây Ban Nha là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại châu Âu. Đến nay, nước này ghi nhận hơn 208.000 ca nhiễm và ít nhất 21.700 ca tử vong.