Cập nhật trưa 14/5: Gia đình Hồ Duy Hải cung cấp ‘chứng cứ ngoại phạm mới’, FBI tố Trung Quốc đánh cắp nghiên cứu Covid-19 của Mỹ
Mục điểm tin cập nhật trên các trang báo trưa 14/5 xin gửi đến quý vị những nội dung chính sau:
Tin trong nước:
- Gia đình tử tù Hồ Duy Hải cung cấp chứng cứ, được cho là ngoại phạm mới
- 10 người dân Việt Nam hiến phổi cứu phi công Anh, ngành y tìm nguồn từ người chết não
- Biển Đông xuất hiện cơn bão giật cấp 11
Tin thế giới:
- FBI tố tin tặc Trung Quốc đánh cắp nghiên cứu về Covid-19 của Mỹ
- Nga có thể dùng vaccine Covid-19 từ cuối tháng 7.
- WHO: Virus Corona có thể không bao giờ biến mất
- Cố vấn Nhà Trắng không loại trừ khả năng Mỹ hoãn bầu cử Tổng thống
- Pháp đáp trả Trung Quốc vụ nâng cấp tàu chiến Đài Loan: ‘Hãy tập trung chống dịch’
- Indonesia đưa vụ tàu cá Trung Quốc bị tố ngược đãi ngư dân tại Liên Hiệp Quốc
- Cập nhật sáng 14/5: Kiểm tra việc vận động dân từ chối nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ, Lào xây đập thủy điện thứ 6 trên sông Mê Kông
- Ca siêu lây nhiễm ở Ghana: ‘Gieo’ Covid-19 cho 533 người
- Trung Quốc – Covid-19: Dừng nhập thịt bò Úc, Bắc Kinh đang trả đũa?
- Hiện tượng ‘thiếu oxy thầm lặng’ gây đột tử ở bệnh nhân Covid-19
Sau đây là nội dung chi tiết:
Tin trong nước:
(Thanh Niên) – Gia đình Hồ Duy Hải cung cấp chứng cứ được cho là ngoại phạm mới. Chiều ngày 13/5, luật sư Trần Hồng Phong, cùng gia đình tử tù Hồ Duy Hải đã ký đơn trình bày và giao nộp chứng cứ ngoại phạm mới của vụ án, gửi đến Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao và Chánh án TAND tối cao.
Theo luật sư Phong, sau phiên tòa xét xử giám đốc thẩm, từ một số thông tin và hình ảnh vụ án, ông đã rà soát lại hồ sơ và đã phát hiện thêm một tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải.
Ông Phong cho biết: “Thông qua hướng vết cắt trên cổ hai nạn nhân, cho thấy hung thủ sát hại chắc chắn phải là người thuận tay trái. Trong khi đó, Hồ Duy Hải là người thuận tay phải”.
(Tuổi Trẻ) – 10 người Việt hiến phổi cứu phi công Anh. Tính đến sáng ngày 14/5 đã có 10 người đề nghị được hiến phổi cho BN 91 (nam phi công người Anh). Hiện tại, gần như toàn bộ phổi của bệnh nhân đã đông đặc, cơ hội hồi phục 2 lá phổi thấp. Trước đó, hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã đề xuất ghép phổi cho bệnh nhân.
(VTC) – Biển Đông xuất hiện cơn bão giật cấp 11. Ngày 13/5, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ở vùng biển phía Đông miền Trung của Philippines, một cơn bão đang hoạt động và có tên quốc tế là Vongfong.
Bão dự kiến di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đến 13h ngày 16/5, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 120,0 độ Kinh Đông.
Tin thế giới:
(Zing) – FBI tố tin tặc Trung Quốc đánh cắp nghiên cứu về Covid-19 của Mỹ. Theo Reuters, Bộ An ninh Nội địa và FBI cho biết các tin tặc “có liên hệ với Trung Quốc” đang cố gắng tìm kiếm và lấy đi bất hợp pháp các tài sản trí tuệ, dữ liệu y tế công cộng liên quan đến vắc-xin, phương pháp điều trị và xét nghiệm từ các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu về Covid-19.
Tuyên bố này không đưa ra thông tin chi tiết về tin tặc hay các mục tiêu bị tấn công. Phía Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã lên án cáo buộc này, gọi đó là “những lời dối trá”.
(VTC) – Nga có thể dùng vaccine Covid-19 từ cuối tháng 7. Nga đang có kế hoạch thử nghiệm lâm sàng vaccine cho virus Corona chủng mới vào tháng 6 và đưa vào sử dụng các chế phẩm vaccine đầu tiên vào cuối tháng 7.
“Tôi hy vọng rằng vào tháng 7, những chế phẩm vaccine đầu tiên sẽ xuất hiện”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết trong phiên họp toàn thể của Duma quốc gia Nga hôm 13/5.
Ông Murashko khẳng định, việc phát triển vaccine đang được triển khai tại 7 trung tâm khoa học của Nga và đây cũng là chiến thuật phòng ngừa duy nhất có hiệu quả 100%.
(Vnexpress) – WHO: Virus Corona có thể không bao giờ biến mất. Tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 13/5, Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế của WHO – ông Mike Ryan cho biết, virus Corona chủng mới có nguy cơ trở thành một chủng virus tồn tại song song với các cộng đồng và có thể không bao giờ biến mất.
“Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chúng ta nên thực tế và không ai có thể dự đoán khi nào dịch bệnh này biến mất”, ông Ryan nói thêm. Ông đồng thời lưu ý, thế giới vẫn cần nỗ lực rất nhiều ngay cả khi vaccine ngừa Covid-19 ra đời.
Theo trang Worldometers, tính đến sáng 14/5, thế giới đã ghi nhận 4.427.543 ca bệnh, trong đó hơn 298 nghìn người đã tử vong và 1.657.735 người đã phục hồi.
(Tin Tức) – Cố vấn Nhà Trắng không loại trừ khả năng Mỹ hoãn bầu cử Tổng thống. Ngày 13/5, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng ông Jared Kushner cho biết, ông không thể chắc chắn liệu bầu cử Tổng thống Mỹ có diễn ra đúng kế hoạch hay không do ảnh hưởng của dịch Viêm phổi Vũ Hán.
Theo luật Mỹ, bầu cử Tổng thống diễn ra vào ngày 3/11 tới, và Nhà Trắng không có thẩm quyền thay đổi mốc thời gian này.
(Tuổi Trẻ) – Pháp đáp trả Trung Quốc vụ nâng cấp tàu chiến Đài Loan: ‘Hãy tập trung chống dịch’. Reuters đưa tin, ngày 13/5, Pháp đã bác bỏ các cảnh báo của Trung Quốc về việc bán vũ khí cho Đài Loan. Pháp nói rằng nước này đang thực hiện các thỏa thuận đã có và cho rằng Bắc Kinh nên tập trung vào cuộc chiến với Covid-19.
Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố: “Pháp tôn trọng các cam kết trong hợp đồng đã thực hiện với Đài Loan và không thay đổi lập trường của mình kể từ năm 1994. Đối diện với cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, chúng ta nên chú ý, nỗ lực tập trung vào vấn đề chống dịch.”
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” và yêu cầu Pháp hủy hợp đồng nâng cấp 6 tàu hộ vệ cho Đài Loan “nếu không muốn mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị hủy hoại”.
(VTC) – Indonesia đưa vụ tàu cá Trung Quốc bị tố ngược đãi ngư dân tại Liên Hiệp Quốc. Hôm 12/5, tại cuộc họp trực tuyến với Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) có chủ đề “Tác động của đại dịch Covid-19 với nhân quyền”, phái đoàn Indonesia tại LHQ đã đưa vụ việc các ngư dân Indonesia bị ngược đãi trên tàu cá Trung Quốc dẫn đến thiệt mạng.
Phái đoàn Indonesia yêu cầu Hội đồng Nhân quyền LHQ chú ý đến vấn đề vi phạm nhân quyền đối với nhóm người dễ bị tổn thương và thường bị lãng quên, cụ thể là vi phạm nhân quyền trong ngành đánh bắt cá đã xảy ra với Indonesia kể từ năm 2016.
Hiện tại, cơ quan bảo vệ người lao động nhập cư Indonesia đã thành lập một nhóm điều tra nội bộ đồng thời phối hợp với cảnh sát về các bước pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các ngư dân Indonesia. Đồng thời, Indonesia yêu cầu Trung Quốc phối hợp điều tra vụ việc.